Thứ Tư, 5 tháng 6, 2024

VÌ SAO NÓI SỰ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA PHONG TRÀO CỘNG SẢN VÀ CÔNG NHÂN QUỐC TẾ LUÔN GẮN VỚI ĐẶC ĐIỂM DÂN TỘC TRONG NHỮNG GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ?

 

Sự hình thành, phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế luôn gắn với đặc điểm dân tộc trong những giai đoạn lịch sử nhất định, bởi vì:

Thứ nhất, lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế làm rõ sự phong phú, muôn hình muôn vẻ của sự vận động, phát triển của lịch sử, xem xét các mặt biểu hiện của nó, không được đơn giản, càng không cắt xén làm cho lịch sử trở nên đơn điệu, tẻ nhạt. Mỗi dân tộc đều có đặc điểm riêng, phản ánh các quan hệ giữa con người với con người, con người với điều kiện tự nhiên; quan hệ giai cấp, dân tộccũng mang những sắc thái riêng tác động, ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến quá trình hình thành, phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đúng như V.I.Lênin đã viết: Lịch sử bao giờ cũng phong phú về nội dung, cũng đa dạng về nhiều mặt, cũng sinh động hơn điều mà chúng ta hình dung được.

Thứ hai, phong trào cộng sản và công quốc tế là một lực lượng chính trị quốc tế, có nội dung, hình thức liên hệ trên phạm vi toàn cầu; nhưng trước hết nó được diễn ra ở từng quốc gia dân tộc cụ thể. C.Mác đã chỉ ra: “Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu”[1]. Theo đó, sự ra đời, phát triển về tổ chức, nội dung, tính chất của phong trào công nhân, các đảng cộng sản và công nhân luôn chịu sự tác động, ảnh hưởng của đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của từng quốc gia dân tộc.

Thứ ba, đặc điểm dân tộc trong từng giai đoạn cụ thể là cơ sở để chính đảng của giai cấp công nhân đề ra chiến lược, sách lược, mục tiêu, phương pháp đấu tranh đúng đắn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụcủa từng dân tộc. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế không thể có cao trào và đi đến thắng lợi nếu như nội dung, phương thức hoạt động không gắn với đặc điểm từng dân tộc trong những giai đoạn lịch sử nhất định.

Thứ tư, giai cấp công nhân là một lực lượng quốc tế, chủ nghĩa tư bản cũng là một lực lượng quốc tế, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vì thế cũng diễn ra trên diện rộng, bao hàm ở các quốc gia dân tộc; thực tiễn phong trào cộng sản và công nhân mỗi dân tộc là “mảnh đất hiện thực”, là cơ sở để các đảng cộng sản tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu trong xác định đường lối lãnh đạo cách mạng, dẫn dắt phong trào đấu tranh của công nhân đi đến thắng lợi.



[1] C.Mác và Ph.Ănghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr. 624.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét