Thứ Ba, 11 tháng 6, 2024

NGUYÊN NHÂN THẤT BẠI CỦA CÁC CUỘC ĐẤU TRANH ĐỘC LẬP ĐẦU TIÊN CỦA GIAI CẤP VÔ SẢN Ở CHÂU ÂU NHỮNG NĂM 30 - 40 THẾ KỶ XIX LÀ GÌ?

 

Các cuộc đấu tranh độc lập đầu tiên của giai cấp công nhân các nước châu Âu diễn ra, mà tiêu biểu là các cuộc đấu tranh của công nhân dệt Pháp, ở Đức và Phong trào Hiến chương ở Anh song cuối cùng đều thất bại do các nguyên nhân chủ yếu sau:

Giai cấp công nhân mới ra đời, còn non trẻ, chưa phát triển toàn diện về mọi mặt, chưa có một chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Giai cấp công nhân chưa được tổ chức chặt chẽ, các cuộc khởi nghĩa, đấu tranh còn riêng lẻ, tự phát trong phạm vi hẹp, chưa có mối liên hệ và tập hợp lực lượng một các quy mô có tổ chức với nông dân và công nhân ở các thành phố khác.

Các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chưa có hệ tư tưởng tiên tiến dẫn đường, chưa có lý luận tiên phong. Những phong trào đấu tranh, khởi nghĩa diễn ra cơ bản là tự phát, mang tính quần chúng là chủ yếu, chưa có tổ chức chặt chẽ. Trong phong trào chưa có sự thống nhất về tư tưởng và sách lược, phong trào chưa thuần nhất là phong trào vô sản, còn hỗn tạp nhiều thành phần, chưa phản ánh và phát huy tối đa sức mạnh của giai cấp công nhân.

Giai cấp tư sản lúc này đang lên, trở thành giai cấp trung tâm, đóng vai trò là lực lượng tiến bộ xã hội, có tiềm lực mạnh, đang tăng cường sức mạnh để củng cố địa vị thống trị xã hội của mình, do đó bằng mọi cách ra sức trấn áp các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Yếu tố thời đại lúc này cũng chưa cho phép giai cấp vô sản đứng vững trên vũ đài chính trị của mình, cần có thời gian nhất định chuẩn bị “vật chất” và “tinh thần”, nhất là công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét