Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

HOÀN CẢNH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG 1848-1849 Ở CHÂU ÂU LÀ GÌ?

 

Nửa đầu thế kỷ XIX, tại nhiều nước châu Âu, chủ nghĩa tư bản đã chuyển từ giai đoạn công trường thủ công sang sản xuất công xưởng. Sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất làm cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời và từng bước được xác lập vững chắc ở Anh, Pháp và đang ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều nước khác.

Phong trào công nhân có bước phát triển mới về chất: chính đảng đầu tiên của giai cấp vô sản là “Đồng minh những người cộng sản” được thành lập với cương lĩnh chính trị là Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản; giai cấp vô sản đã tích lũy được những kinh nghiệm qua các cuộc đấu tranh độc lập đầu tiên.

 Lúc này, giai cấp vô sản chịu nhiều tầng áp bức bị bóc lột rất nặng nề đời sống khổ cực, mọi quyền tự do, dân chủ bị bóp nghẹt… Mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với chế độ chuyên chế phong kiến và với giai cấp tư sản ngày càng sâu sắc. Giai cấp vô sản đã sẵn sàng vùng dậy lật đổ chế độ phong kiến, thiết lập nền cộng hòa, đòi quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, trình độ giác ngộ giai cấp của họ còn nhiều hạn chế, còn ảo tưởng, trông chờ vào giai cấp tư sản, mơ hồ về bản chất của chúng.

Từ năm 1845 đến năm 1847, ở châu Âu liên tiếp diễn ra các cuộc khủng hoảng kinh tế. Nạn sâu bệnh và mất mùa lúa mì, khoai tây, gây ra tình trạng thiếu đói ở nhiều nước như: Ai Len, Đức, Ý, Áo, Pháp, Phần Lan…Khủng hoảng trong các ngành công thương nghiệp nổ ra một cách trầm trọng vào năm 1847, dẫn đến nạn thất nghiệp lan tràn, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ.

Khủng hoảng kinh tế đã làm sâu sắc, trầm trọng thêm khủng hoảng về chính trị vốn đang âm ỷ trong xã hội. Các mâu thuẫn giai cấp ngày càng gay gắt, đẩy quần chúng lao động trước tình trạng không thể duy trì cuộc sống như cũ nữa, họ đã quyết tâm vùng dậy làm cách mạng. Một bộ phận giai cấp thống trị cũng hoang mang dao động, một bộ phận trong giai cấp muốn có những thay đổi trong hình thức thống trị để xoa dịu bớt mâu thuẫn đang ngày càng quyết liệt.

Tình thế cách mạng đã chín muồi, hội tụ đầy đủ các yếu tố trên các lĩnh vực của đời sống  xã hôi. Cách mạng đầu tiên nổ ra ở Pháp, ở Đức, sau lan dần sang các nước châu Âu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét