Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU CỦA QUỐC TẾ II BAO GỒM NHỮNG NỘI DUNG GÌ?

 

Hoạt động chủ yếu của Quốc tế II gồm những nội dung chủ yếu diễn ra qua hai giai đoạn như sau:

Giai đoạn thứ nhất những năm 90 của Thế kỷ XIX

 Quốc tế II trải qua 3 kỳ Đại hội: Đại hội ở Brúcxen (Bỉ) năm 1891; Đại hội ở Duyrích (Thụy Sỹ) năm 1893; Đại hội ở Luân đôn (Anh) năm 1896. Nội dung hoạt động của Quốc tế II thể hiện trên những vấn đề cơ bản là:

Một là, đấu tranh với chủ nghĩa vô chính phủ, thông qua một nghị quyết đặc biệt nêu rõ, chỉ những tổ chức công nhân thừa nhận sự cần thiết của hoạt động chính trị, kể cả hoạt động nghị trường mới được tham gia Đại hội quốc tế.

Hai là, kiên quyết lên án chủ nghĩa quân phiệt và phản đối âm mưu gây chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc. Vấn đề đấu tranh chia lại thuộc địa giữa các cường quốc luôn được đặt ra trên bàn hội nghị; các nước đế quốc đang ngấm ngầm chuẩn bị một cuộc chiến tranh; các tổ chức liên minh quân sự lần lượt ra đời.

Ba là, xác định phương pháp, hình thức đấu tranh của Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, nghị trường hợp pháp, nửa hợp pháp tùy vào điều kiện lịch sử cụ thể và tương quan so sánh lực lượng; Song lấy đấu tranh chính trị và mục tiêu giành chính quyền là điều kiện tiên quyết. Để giành chính quyền thì việc tập hợp, giáo dục quần chúng là hết sức quan trọng vì sự nghiệp cách mạng là của quần chúng.

Giai đoạn từ năm 1896 đến năm 1914.

Sau khi Ph.Ăngghen mất (1895), Quốc tế II do Bécxtanh và Cauxki lãnh đạo từng bước rơi vào chủ nghĩa cơ hội, xét lại và phá sản.

- Về tư tưởng, Quốc tế II núp dưới ngọn cờ “tự do phê bình”, các phần tử cơ hội đòi xét lại toàn bộ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, như chuyên chính vô sản, cách mạng vô sản, liên minh giai cấp. Họ say sưa với đấu tranh nghị trường, hòa hợp giai cấp thực hiện khẩu hiệu “ Phong trào là tất cả, kết quả cuối cùng là con số không”.

- Về chính trị, Quốc tế II hoàn toàn trở thành tay sai cho chủ nghĩa đế quốc, bênh vực bao che cho hành động xâm lược của chủ nghĩa đế quốc dưới chiêu bài “khai hóa văn minh”, tán thành tăng ngân sách quân sự, quân sự hóa kinh tế, phát xít hóa bộ máy, tích cực chuẩn bị chiến tranh, kêu gọi giai cấp công nhân “bảo vệ tổ quốc” của giai cấp tư sản.

- Về tổ chức, Quốc tế II từng bước bị phân liệt thành phái tả, phái hữu và phái giữa, nội bộ mất đoàn kết, bè phái, chia rẽ. Có thể nói, khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất xảy ra thì Quốc tế II cũng hoàn toàn phá sản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét