Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

DIỄN BIẾN VÀ KẾT QUẢ CỦA CÁCH MẠNG 1848 - 1849 Ở PHÁP LÀ GÌ?

 

Tháng 2 năm 1848, quần chúng nhân dân thủ đô Pari, nòng cốt là những người công nhân đã xuống đường biểu tình đòi cách chức thủ tướng Ghiđô, đòi cải cách và tổng tuyển cử, khiến vua Lui Philíp phải thoái vị và chạy trốn sang Anh, cách mạng đã giành được thắng lợi bước đầu. Chính phủ lâm thời được thành lập gồm tuyệt đại đa số đại biểu của giai cấp tư sản, có hai đại biểu của giai cấp vô sản, còn lại là đại biểu của những người tiểu tư sản.

Ngày 25 tháng 2, trước áp lực của nhân dân và thái độ kiên quyết của đại biểu giai cấp vô sản, khẩu hiệu nước cộng hòa Pháp “tự do, bình đẳng, bác ái” được đưa ra. Giai cấp công nhân đòi thành lập các “công xưởng quốc gia” để giải quyết công ăn việc làm cho những người thất nghiệp, giai cấp tư sản đã chấp nhận yêu sách này và thu hút tới 10 vạn người trong các công xưởng ấy. Giai cấp công nhân đã tiếp tục chiến đấu, nhiều cuộc bãi công nổ ra trong năm 1848 tại các trung tâm công nghiệp lớn với những khẩu hiệu: “chế độ cộng hòa muôn năm”, “đả đảo bọn tư sản”.

Khi đã củng cố được vị trí của mình, giai cấp tư sản bắt đầu chuẩn bị tìm mọi cách thủ tiêu phong trào dân chủ vô sản. Bằng nhiều âm mưa, thủ đoạn xảo trá, gian lận, giai cấp tư sản đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến. Trước tình hình đó, quần chúng khắp nơi đã nổi dậy phản đối, song giai cấp tư sản sử dụng quân đội, thậm chí cả hỏa lực pháo binh đàn áp phong trào cách mạng.

Đến tháng 5 năm 1848, giai cấp vô sản do Raxpai, Blăngxki và Anbe đứng đầu đã tổ chức biểu tình lớn gồm hàng chục nghìn người tham gia, song, giai cấp tư sản đã thẳng tay đàn áp. Các đội vệ binh lưu động ở Pari và các tỉnh lân cận được điều đến đàn áp giai cấp công nhân, Raxpai, Blăngxki và Anbe bị bắt.

 Tháng 6 năm 1848, những hành động khiêu khích của giai cấp tư sản đã đẩy công nhân đi tới cuộc khởi nghĩa lớn. Số người tham gia khởi nghĩa lên tới 40 - 45 nghìn, dưới sự chỉ huy của một bộ tham mưu vừa được lập ra ở các khu phố. Chính phủ tư sản đã điều tướng Cavainhắc, một tên tướng tàn ác, dùng cả lực lượng pháo binh đàn áp quần chúng khởi nghĩa, kẻ thù đã dìm khởi nghĩa của công nhân trong biển máu. Cuộc khởi nghĩa tháng Sáu của giai cấp vô sản đã thất bại

Ngày 10 tháng Chạp, cuộc bầu cử tổng thống đã diễn ra và Lui Bônapáctơ trúng cử. Giữa lúc ấy, ở Pari đã có sự hoạt động của những người xã hội chủ nghĩa. Hoảng sợ trước khí thế của quần chúng và sự đối lập của “phái Núi” trong quốc hội, “Đảng trật tự” đã ra tay đàn áp phong trào. Trong bối cảnh đó, Lui Bônapáctơ khéo lừa phỉnh nhân dân Pháp, mua chuộc quân đội, gây chia rẽ trong nội bộ “Đảng trật tự”… điều quân đội chiếm giữ tất cả các vị trí trọng yếu của Pari, tước vũ khí của các đội vệ binh quốc gia, bắt giam tất cả thủ lĩnh của các đảng phái đối lập, giải tán Quốc hội Lập hiến, thâu tóm mọi quyền hành trong tay. Ngày 2 tháng Chạp năm 1851, Lui Bônapáctơ làm chính biến và tuyên bố lên ngôi hoàng đế, lập nên nền đế chế thứ hai, cuộc cách mạng Pháp đến giai đoạn này tạm thời lắng xuống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét