Trước Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, những kẻ hiềm khích còn tự nghĩ ra một khái
niệm khá kỳ lạ: "Lợi ích nhóm trên nghị trường". Từ đó, chúng suy diễn:
"Hội nghị Trung ương (HNTƯ) là một dịp để những người cầm đầu bộ máy quyền lực túm lại với nhau,
bàn thảo kế hoạch hiện thực hóa lợi ích nhóm".
Thực tế trong
các phiên thảo luận cho thấy, đã có gần 50 ý kiến trình bày trực tiếp tại hội
trường; hàng trăm ý kiến thảo luận ở tổ; và gần như đại biểu nào cũng có tham
luận gửi về Đoàn Chủ tịch Hội nghị để tham gia góp ý bổ sung, hoàn thiện các
văn kiện. Tinh thần nói thẳng, nói đúng, nói thật luôn xuyên suốt và bao trùm
trong mỗi ý kiến. Thậm chí với những vấn đề mới và khó, các đại biểu tranh luận
rất gay gắt, mạnh mẽ, bảo vệ quan điểm, chính kiến khác nhau trên cơ sở dân chủ,
tôn trọng chân lý khoa học và thực tiễn khách quan.
Tinh thần thẳng
thắn, trách nhiệm càng được thể hiện rõ nét ở việc Trung ương cho ý kiến vào
Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017.
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đã không ngần ngại, cả nể hay nói tránh,
mà thẳng thắn "điểm mặt, chỉ việc", tách bạch giữa thành quả và hạn
chế, giữa ưu và khuyết, giữa được và chưa được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo
để tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp thu, đúc rút kinh nghiệm, nâng cao
năng lực thực hiện nhiệm vụ Ban Chấp hành Trung ương giao phó. Trên cơ sở những
đóng góp đó, tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cầu thị lắng nghe, tự phê bình
sâu sắc.
Không chỉ mạnh
mẽ chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm, Trung ương còn thống nhất ban hành các giải
pháp "rất mạnh tay" trong rèn luyện cán bộ, quản lý và kỷ luật cán bộ
các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Trong 8 nhóm giải pháp lớn của công tác
cán bộ được HNTƯ xác định đều có điểm chung và rất hay ở chỗ: Đã đặt lợi ích của
nhân dân, của tập thể lên trên lợi ích cán bộ; buộc cán bộ phải biết cách hy
sinh, chấp nhận hy sinh vì lợi ích chung của sự nghiệp cách mạng.
Bởi thế, ngay
sau khi bài phát biểu bế mạc HNTƯ 7, khóa XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
được công khai rộng rãi (sáng 12-5), dư luận xã hội bày tỏ sự đồng thuận, phấn
khởi trước chủ trương phải "nhốt" quyền lực vào lồng cơ chế, pháp luật.
Người dân cho rằng, Trung ương quyết liệt như vậy là rất quý và đáng kính; thể
hiện ý chí quyết tâm cao của những người đứng đầu đất nước. Bởi lẽ, tập thể
Trung ương Đảng gồm phần lớn là cán bộ chủ chốt, chủ trì ở các cơ quan, đơn vị
Trung ương và địa phương lại đi quyết định một chủ trương để khống chế, kèm cặp,
ràng buộc chính mình. Nhiều người lật ngược vấn đề: Tại sao không để quyền lực
tự do, tự tại để mỗi cán bộ Trung ương có điều kiện lợi dụng những kẽ hở hòng
tư lợi cá nhân? Tại sao phải chống "chạy chức, chạy quyền", trong khi
nếu vấn nạn này tiếp diễn thì có lợi cho những người đứng đầu tổ chức? Họ sẽ có
thêm "lộc lá", quà cáp biếu xén và nhiều thứ lợi ích riêng tư khác
cho bản thân, người thân, gia đình và lợi ích nhóm...? Và như vậy, chắc chắn,
những quyết định của Trung ương lần này là vì lợi ích chung, để "ích nước,
lợi nhà". Đó là bằng chứng sống, thuyết phục về tinh thần trách nhiệm vì
dân, vì nước mà gạt bỏ mưu cầu cá nhân của đội ngũ các đồng chí Ủy viên Trung
ương Đảng khóa XII.
Cũng với quyết
tâm chống "chạy chức, chạy quyền", nâng cao hiệu quả lãnh đạo, Trung
ương nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, huyện không phải là người
địa phương. Phần việc này được làm ngay sau thành công hội nghị và phấn đấu
hoàn thành trong năm 2025. Trước quyết định này, toàn dân bày tỏ sự hoan
nghênh, đồng thuận, bởi lẽ ai cũng hiểu, đây là giải pháp khả thi giúp khắc phục,
đẩy lùi được ngay thực trạng kéo bè kéo cánh, cục bộ địa phương, nâng đỡ, bổ
nhiệm người thân, người nhà... Đó là chủ trương có lợi cho tổ chức, nhân dân.
Cùng với đó, người dân cũng hiểu được, những người quyết định chủ trương này là
các Ủy viên Trung ương Đảng và số đông đang giữ chức danh bí thư tỉnh ủy, thành
ủy. Do đó, các đồng chí này phải tự ý thức rất cao, trách nhiệm rất lớn mới đi
đến quyết định cuối cùng mà sắp tới họ phải làm gương thực hiện trước, chấp nhận
hy sinh thiệt thòi về phần mình. Ấy là việc mỗi Ủy viên Trung ương Đảng là bí
thư tỉnh ủy, thành ủy phải thực hiện nhiệm vụ ở những địa phương khác; phải chấp
nhận những rào cản về tư tưởng, tâm lý, thời gian, không gian khách quan chi phối;
phải xa quê hương, xa gia đình với nhiều nảy sinh liên quan đến hậu phương cán
bộ... Tất cả những vấn đề ấy được dự báo trước, được các đồng chí Ủy viên Trung
ương Đảng nhận thức rõ, thế nhưng gần 180 cánh tay vẫn tự tin đưa cao, thống nhất
quyết định cuối cùng. Điều đó chứng tỏ các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đã
biết đặt lợi ích của tập thể lên trên, biết hy sinh cá nhân vì sự nghiệp cách mạng
chung.
Như vậy, tinh
thần thẳng thắn, quyết liệt của Trung ương là khác xa, thậm chí trái ngược với
những luận điệu ngụy biện, bịa đặt của các thế lực thù địch chống phá, rằng Trung
ương đang "lợi ích nhóm trên nghị trường", cấu kết nhau để dò dẫm tìm
cách mị dân, đề ra những quyết sách có lợi cho bộ phận tầng trên của hệ thống cầm
quyền.
Nguồn: http://www.qdnd.vn
Nguồn: http://www.qdnd.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét