Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

NGHIÊN CỨU, HỌC TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ CẦN GẮN VỚI THỰC TIỄN

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thống nhất giữa lý luậnvới thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn là thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông...”. Như vậy, cán bộ, đảng viên trong nghiên cứu, học tập lý luận chính trị mà tách rời thực tiễn là một sai lệch lớn, làm giảm ý nghĩa và tầm quan trọng của lý luận chính trị.
Lý luận khoa học phải được hình thành trên cơ sở thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, bằng con đường tổng kết thực tiễn. Do đó, thực tiễn là cơ sở của đường lối và chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nghiên cứu lý luận, xây dựng đường lối và chính sách là để trả lời những câu hỏi cho phát triển đất nước. Qua thực tiễn để đánh giá sự sát thực của lý luận, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Ngược lại, thực tiễn luôn phải được chỉ đạo, soi đường, dẫn dắt bởi lý luận khoa học.
Trong thời kỳ đổi mới, bên cạnh những thành tựu quan trọng trong đổi mới tư duy lý luận, vẫn còn những hạn chế không nhỏ đối với nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn. Đó là công tác lý luận còn lạc hậu trên một số mặt, chưa theo kịp được sự phát triển của thực tiễn đang vận động nhanh chóng, phức tạp; chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đất nước đặt ra. Chất lượng các sản phẩm nghiên cứu khoa học chưa cao. Lý luận chưa làm tốt chức năng định hướng cho hoạt động thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Công tác lãnh đạo, quản lý các hoạt động lý luận, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luậnchính trị trong nhà trường chậm đổi mới, chưa theo kịp trình độ phát triển và yêu cầu của xã hội.
Các cán bộ, đảng viên trong học tập lý luận chính trị chưa có sự so sánh, liên hệ, vận dụng vào vào thực tiễn đất nước, địa phương; nghiên cứu khoa học chỉ khai thác kinh điển một cách thuần túy, không liên hệ thực tiễn để chỉ rõ đượcnhững giá trị lâu bền hay cần bổ sung, thậm chí đã bị thực tiễn vượt qua... Khi thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, không vận dụng sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của ngành, địa phương, đơn vị... để đạt kết quả tốt nhất.
Việc nghiên cứu, học tập, lý luận chính trị tách rời thực tiễn của cán bộ, đảng viên dẫn đến bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều. Kinh nghiệm có vai trò to lớn trong nhận thức cũng như trong hoạt động thực tiễn. Nhưng, bệnh kinh nghiệm là nhận thức và hành động nhấn mạnh thuần túy đến kinh nghiệm, coi kinh nghiệm là tất cả, coi thường và hạ thấp lý luận; tuyệt đối hóa những kinh nghiệm cá biệt, cụ thể, biến chúng thành những kinh nghiệm phổ biến áp dụng ở mọi nơi, mọi lúc. Bệnh giáo điều lại là nhận thức và hành động tuyệt đối hóa lý luận, coi thường và hạ thấp thực tiễn, áp dụng lý luận không tính đến điều kiện lịch sử cụ thể. Căn bệnh này dễ dẫn đến sai lầm, thất bại trong nhận thức và hoạt động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét