Đạo đức Hồ
Chí Minh là đạo đức cách mạng, tranh đấu quên mình, hy sinh cả cuộc
sống riêng tư vì sự nghiệp mà Người tự nhủ và căn dặn những người
cách mạng - những học trò xuất sắc của Người thuộc thế hệ đầu tiên
lập Đảng. Cả cuộc đời và sự nghiệp, Hồ Chí Minh đã làm tất cả vì
Dân, vì Nước; trong gian lao khó nhọc, cả lúc hiểm nguy thử thách khi
bị giam cầm, đọa đầy trong lao tù của chế độ Tưởng Giới Thạch, mất
liên lạc với Đảng, với dân, Người vẫn một lòng kiên trinh với lý
tưởng, giữ trọn niềm tin với nghị lực phi thường vượt lên hoàn cảnh.
Tấm gương
đạo đức Hồ Chí Minh, là đạo đức chiến đấu và hy sinh, từ dấn
thân đến dâng hiến, suốt một đời gần dân, vì dân, thấu hiểu cuộc
sống của dân và thấu cảm lòng dân. Trả lời nhà báo Cộng sản Cu Ba,
Người nói: “Tôi tự nguyện dâng hiến đời tôi cho dân tộc” và “Mỗi
người có một nỗi đau riêng, mỗi gia đình có một nỗi khổ riêng. Gộp tất
cả nỗi đau khổ đó lại thành ra nỗi đau khổ của bản thân tôi!”. Lời
nói chân thành tự trái tim Người có sức lay động muôn triệu trái tim.
Người luôn
căn dặn cán bộ, đảng viên và công chức “dân là chủ và dân làm chủ”.
Phải dân chủ chứ không được “quan” chủ, là đầy tớ công bộc của dân
chứ không lên mặt “quan” cách mạng.
Tấm gương
đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ ở chỗ Người nêu gương đạo đức
trong tranh đấu, từ chống giặc ngoại xâm đến chống “giặc nội
xâm” mà Người còn nêu gương suốt đời trong thực hành cần
kiệm liêm chính, chí công vô tư để toàn tâm toàn ý phục vụ nhân
dân, phụng sự Tổ quốc.
Đạo đức Hồ
Chí Minh có sức lay động, cảm hóa muôn triệu đồng bào trong nước và
thu hút sự ngưỡng mộ, kính trọng của bạn bè quốc tế
Hiếm có vị
chủ tịch nước nào như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sống đạm bạc, đến mức
khắc khổ trong cái ăn, cái mặc hằng ngày; bởi thương dân mà tiết
kiệm, bởi lãng phí là không thương dân, bởi mỗi đồng tiền bát gạo mà
ta tiêu dùng đều do mồ hôi, nước mắt của dân làm ra. Người lên án gay
gắt và nghiêm trị theo luật pháp những hành vi tham ô, tham nhũng, coi
đó là bất liêm, bất chính, bất nghĩa, phải trừng trị như trừng trị
một tội ác. Người lấy mình làm gương, chú trọng giáo dục đạo
đức cho cán bộ đảng viên, công chức và rèn luyện kỷ luật
công vụ, xiết chặt kỷ cương, nề nếp hành chính, sớm thành lập thanh
tra chính phủ để kiểm soát hoạt động của bộ máy và hành vi công
chức. Những biện pháp ấy đều chỉ vì mục đích “phục vụ dân” và
“bảo vệ dân”.
Tấm gương
Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở đức trung thực, khiêm tốn, vị tha,
nhân ái, khoan dung, thấm nhuần chất nhân văn trong tham chính và cầm
quyền, trong ứng xử với người, với việc, mà cao hơn tất cả là tình
thương yêu dành cho dân chúng mãi không bao giờ thay đổi. Trong Di chúc,
Người căn dặn “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, phê bình
có lý có tình, ứng xử có tình có nghĩa,... Người để lại muôn vàn
tình thương yêu cho đồng bào, đồng chí và không quên gửi lời chào bạn
bè quốc tế và nhân dân thế giới…
Một con
người, một nhân cách, với tấm gương đạo đức sáng ngời như thế mà lại
tự thấy mình chưa xứng đáng, từ chối nhận huân chương. Người đã trở
về với thế giới người Hiền gần nửa thế kỷ, nhưng không lúc nào ta
cảm thấy Người đi xa, Người vẫn ở bên ta như động viên, nhắn nhủ,
thúc giục để ở đời thì phải thân dân, làm người thì phải chính
tâm, xứng đáng là đầy tớ trung thành, công bộc tận tụy của dân. Tấm
gương đạo đức ngời sáng Hồ Chí Minh còn sáng mãi trong cuộc
đời, trong dân tộc và thế giới, còn sống mãi với thời gian.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét