Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

VAI TRÒ CỦA ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ TRONG ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

Cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 là đỉnh cao của đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang, giữa sự đấu tranh quân sự của quân giải phóng và sự nổi dậy của quần chúng tại chỗ nhằm đánh bại hoàn toàn đế quốc Mỹ và tay sai để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trong cuộc tiến công này, vai trò của lực lượng vũ trang từ ngoài có ý nghĩa quyết định nhưng vai trò của quần chúng khởi nghĩa tại chỗ và làm binh vận là vô cùng quan trọng và không thể thiếu.
Ngay từ khi chiến dịch bắt đầu cũng như quá trình diễn biến của chiến dịch, trong lúc bộ đội chủ lực ào ào tấn công như vũ bão vào các thành thị thì lực lượng quần chúng đã được chuẩn bị sẵn sàng nổi dậy diệt ác, phá kìm, bao vây, bức rút, bức hàng đồn bốt, bắt chính quyền cấp cơ sở của địch nộp vũ khí và trang bị thiết bị. Tin thắng trận dồn dập ở các chiến trường làm cho lực lượng của địch càng hoang mang.
Trận đánh cuối cùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh (30/4/1975), quân ta từ năm hướng tấn công vào nội đô, nữ giao liên Nguyễn Trung Kiên đã dẫn đầu đoàn xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập – nơi cố thủ cuối cùng của Mỹ - Ngụy và giành thắng lợi hoàn toàn. Đây là thắng lợi vĩ đại của đường lối cách mạng Việt Nam, kết hợp tiến công quân sự với đấu tranh binh vận và lực lượng chính trị mạnh và rộng khắp trong quần chúng nhân dân. Chỉ riêng trong ngày 30/4/1975, ở miền Nam, chính quyền cách mạng ở khắp các cơ sở trong thành phố được thành lập để quản lý thành phố, dựa vào lực lượng chính trị có trình độ giác ngộ cách mạng cao của quần chúng nhân dân.
Đấu tranh chính trị trong điều kiện hòa bình được lập lại sau những năm 1954 – 1955 diễn ra chủ yếu ở các đô thị, tập trung cơ quan đầu não của địch. Ở nông thôn, nơi nhân dân ta nhiều năm sống dưới ách thống trị của giặc thì cuộc đấu tranh đó sự trỗi dậy của ý thức tự vươn lên và tinh thần đoàn kết giữa nhân dân ở khu vực thành thị và nông thôn. Dựa vào thế pháp lý của hiệp định Giơnevơ, quần chúng đã tập hợp lực lượng trong các tổ chức để đấu tranh hợp pháp và nửa hợp pháp với địch. Trong thời kỳ Diệm – Nhu, sau này là Thiệu – Kỳ đã xóa bỏ nhiều tổ chức quần chúng tiến bộ nhưng khi có điều kiện các tổ chức này được xây dựng lại phù hợp với tình hình mới. Kẻ thù không đủ sức đề ngăn được phong trào đấu tranh của quần chúng. Phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân lại càng phát triển và lớn mạnh qua các thời kỳ của cách mạng và đã có vai trò, đóng góp lớn trong các thắng lợi quyết định.
Ba mũi giáp công phối hợp từ phong trào Đồng Khởi đến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 là sự thần kỳ của đường lối cách mạng miền Nam, cũng là sự thần kỳ của con người Việt Nam mà không thể kẻ thù nào có thể hiểu được khi muốn thực hiện dã tâm nô dịch đối với nhân dân miền Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét