Sau Chiến
tranh Thế giới thứ hai, trước sự lớn mạnh của Liên Xô và sự ra đời của một loạt
nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), hệ thống XHCN hình thành và không ngừng lớn mạnh,
phong trào cách mạng thế giới phát triển nhanh chóng. Đế quốc Mỹ coi Liên Xô là
đối thủ chính trên con đường thực hiện giấc mộng bá chủ thế giới.
Tổng thống Mỹ
H.S.Truman đề ra “chiến lược ngăn chặn”, sử dụng thủ đoạn cứng rắn, coi trọng
thủ đoạn quân sự để “ngăn chặn” sự “bành trướng” của Liên Xô, sự phát triển và
mở rộng của chủ nghĩa cộng sản (CNCS). Tuy nhiên, “chiến lược ngăn chặn” không
có hiệu quả cao; nhiều người trong chính giới Mỹ tỏ ra thức thời hơn, muốn tìm
một phương thức khác có thể chống chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiệu quả hơn.
G.Kennan, Đại diện lâm thời sứ quán Mỹ ở Liên Xô, ngày 22-12-1946 đã đề nghị với
Chính phủ Mỹ dùng các biện pháp chống Liên Xô toàn diện hơn, bao gồm bao vây
quân sự, phong tỏa kinh tế, lật đổ chính trị.
Tình hình thế
giới từ cuối những năm 40 của thế kỷ 20 trở đi càng chứng tỏ chính sách đối ngoại
của Mỹ dựa trên sức mạnh quân sự với nền tảng độc quyền hạt nhân đã bị phá sản.
Tháng 1-1961, Kennedy nhậm chức Tổng thống Mỹ và đưa ra chiến lược “phản ứng
linh hoạt” thay thế chiến lược “trả đũa ồ ạt” của Tổng thống Eisenhower trước
đó. Chủ trương của Kennedy đối với địch thủ Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu là
vừa phải giữ thái độ cứng rắn bằng sức mạnh quân sự, vừa có thái độ mềm dẻo bằng
các biện pháp hòa bình, để “giải phóng” các nước này, đưa trở lại “thế giới tự
do”. Với chính sách “mũi tên và cành ô liu”, nước Mỹ đẩy mạnh chạy đua vũ
trang, mặt khác cũng tăng cường thực hiện “diễn biến hòa bình”.
Sang thập kỷ
80 của thế kỷ 20, thế giới có những biến chuyển lớn. Trọng điểm cạnh tranh quốc
tế đã dần dần chuyển từ chạy đua vũ trang sang phát triển và cạnh tranh về sức
mạnh tổng hợp quốc gia, trong đó lấy khoa học công nghệ làm tiên phong, kinh tế
làm cơ sở và quân sự làm hậu thuẫn. Nắm bắt được xu thế phát triển mới, chủ
nghĩa tư bản (CNTB) đã nhanh chóng ứng dụng khoa học-kỹ thuật hiện đại vào phát
triển kinh tế và trang bị quân sự. CNTB hiện đại đạt được sự ổn định và có mặt
phát triển. Trong khi đó, nhiều nước XHCN lâm vào khủng hoảng. Lợi dụng cơ hội
đó, chủ nghĩa đế quốc (CNĐQ) càng coi trọng chiến lược “diễn biến hòa bình”, lấy
đó làm đòn tấn công chính chống phá Liên Xô và các nước XHCN.
Tổng thống Mỹ
R.Reagan, từ đầu nhiệm kỳ thứ hai (1985-1988) đã chuyển hướng chiến lược đối
ngoại của Mỹ, lấy “diễn biến hòa bình” làm biện pháp chính đối với các nước
XHCN. Reagan đề xuất cuộc “cách mạng dân chủ” với nội dung chính là dựa vào sức
mạnh tổng hợp quốc gia của Mỹ, tăng cường quan hệ kinh tế, văn hóa, đẩy mạnh
tuyên truyền tư tưởng... vào các nước XHCN để chuyển hóa các nước này; coi đây
như là một cuộc “thập tự chinh Đông tiến giành tự do” của CNĐQ, tấn công toàn
diện vào các nước XHCN thông qua “diễn biến hòa bình”.
Tháng 5-1989,
Tổng thống Mỹ George H.W.Bush đưa ra chiến lược “vượt trên ngăn chặn”, trong
đó, linh hồn là “diễn biến hòa bình”. Bush cho rằng, cuộc đọ sức mang tính lịch
sử giữa hai chế độ TBCN và XHCN đã đi vào giai đoạn cuối cùng. Mục tiêu, biện
pháp của chiến lược “vượt trên ngăn chặn” là lợi dụng chính sách cải tổ của các
nước XHCN, thực hiện “diễn biến hòa bình”, lợi dụng hòa hoãn để tác động mọi mặt,
làm cho các nước XHCN đi chệch hướng XHCN, dẫn đến sụp đổ, tan rã. Reagan coi
Đông Âu là trọng điểm và Liên Xô là then chốt của "diễn biến hòa bình".
bài viết rất hay. nguồn gốc của diễn biến hòa bình vẫn là mỹ
Trả lờiXóa