Để “đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan
điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch” như Nghị quyết
Trung ương 4 (khóa XII) đã khẳng định, một trong các yêu cầu tiên quyết đặt ra
là toàn bộ hệ thống chính trị cần tiếp tục nâng cao nhận thức nhằm xây dựng thế
chủ động, kịp thời đấu tranh, phản bác một cách thuyết phục trên cả chiều rộng
và chiều sâu, với sự đa dạng về hình thức.
Nhìn một cách toàn diện có thể thấy gần đây, các quan
điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với Việt Nam
ngày càng được tổ chức có hệ thống, mang tính tổng hợp, diễn ra trên biên độ rộng,
không thuần túy là vấn đề lý thuyết, luận giải lô-gích - lịch sử,… mà còn là sự
kiện xã hội - con người mới nảy sinh, những vấn đề của cuộc sống. Nổi lên trong
các hoạt động này là các thế lực thù địch tiếp tục tiến công hệ tư tưởng - lý
luận giữ vai trò chủ đạo trong sự phát triển của Việt Nam là chủ nghĩa Mác -
Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; triệt để lợi dụng hạn chế, sai lầm, các vấn đề,
sự kiện, hiện tượng tiêu cực mới nảy sinh để coi đây là bằng chứng chứng minh
"tính không tưởng của CNXH", dựa vào đó để xuyên tạc, phủ nhận bản chất
nhân văn chế độ xã hội; ra sức tâng bốc, tô vẽ các chỉ số kinh tế - xã hội mà
chủ nghĩa tư bản đã có được sau cố gắng tự điều chỉnh… Những động thái này đều
nhắm đến mục đích duy nhất là gieo rắc quan điểm "phi giai cấp, phi ý thức
hệ" và tác động, lung lạc những người thiếu bản lĩnh, hời hợt về tri thức,
tiếp cận và đánh giá vấn đề, sự kiện bằng nhận thức cảm tính, bất mãn vì cho rằng
không được xã hội đãi ngộ,… dẫn dắt họ đi từ hoang mang đến hồ nghi, dần dà suy
giảm niềm tin vào tư tưởng - lý luận chính thống của xã hội, suy giảm niềm tin
vào chế độ.
So với thời kỳ trước, ngày nay các quan điểm sai trái,
luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch được tiến hành trong sự phối hợp
chặt chẽ giữa một số người gọi là "nhà lý luận" và một số chính khách
ở phương Tây, một số tổ chức quốc tế nhân danh dân chủ và nhân quyền, chính phủ
ở một số quốc gia, với một số người trong nước được gắn nhãn hiệu "nhân
sĩ, trí thức, nhà báo tự do, người bất đồng chính kiến, nhà đấu tranh nhân quyền".
Và nếu thuyết âm mưu được sử dụng làm công cụ chủ yếu để xuyên tạc, dựng chuyện
thì mọi mưu đồ, thủ đoạn, luận điệu không chỉ được BBC, RFA, VOA, RFI,… phụ họa
mà còn được sự hỗ trợ của in-tơ-nét với các mạng xã hội có khả năng phổ cập đến
mỗi cá nhân. Ðó là một số nguyên nhân cơ bản khiến cho quan điểm sai trái, luận
điệu xuyên tạc có thể thực hiện trên diện rất rộng. Ở Việt Nam, còn có thể nhận
thấy hiện tượng đáng lo ngại này khi không ít cá nhân (trong đó có một số cán bộ,
đảng viên) qua facebook đã bày tỏ suy nghĩ tiêu cực, công bố ý kiến không dựa
trên nền tảng của nhận thức tỉnh táo và lý trí, bình luận theo hướng bôi đen,
bé xé ra to, hô hào người khác hưởng ứng, thậm chí lại hùa theo luận điệu của kẻ
xấu để phê phán đường lối và một số chủ trương, chính sách của Nhà nước…
Trước thực tế đó, nhiều năm nay Ðảng ta đã xác định việc
đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên
tạc của các thế lực thù địch là nhiệm vụ cấp bách thường xuyên của toàn bộ hệ
thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, của mọi công dân. Ðể thực hiện tốt
nhiệm vụ này, chúng ta đã tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết
thực tiễn để chứng minh tính tất yếu của con đường đi lên CNXH và các ưu việt
mà CNXH đem tới cho xã hội - con người, cũng như các thành tựu không thể bác bỏ
của sự nghiệp đổi mới. Kết quả các nghiên cứu này được công bố để toàn Ðảng,
toàn dân nhận thức sâu sắc, cụ thể hơn về định hướng quá trình phát triển đất
nước, động viên mọi người đóng góp vào sự nghiệp chung. Qua báo chí, truyền
thông, chúng ta kịp thời đấu tranh vạch trần bản chất các quan điểm sai trái,
luận điệu xuyên tạc; vạch trần chân tướng những tổ chức, cá nhân núp dưới chiêu
bài dân chủ, nhân quyền nhằm tiến công vào chế độ xã hội ta, vu cáo Nhà nước Việt
Nam; đưa ra các luận chứng, cung cấp thông tin làm sáng tỏ một số vấn đề, sự kiện,
hiện tượng đã bị các thế lực thù địch xuyên tạc và lợi dụng để vu cáo… Tuy
nhiên, trên thực tế, chúng ta còn thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu
lý luận với báo chí, truyền thông; một số bài viết đấu tranh, phản bác các quan
điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc còn có xu hướng hô hào chung chung nên thiếu
sức thuyết phục; khi đấu tranh, phản bác, một số báo chí còn chạy theo vụ việc,
thiếu chủ động… Phải nói rằng, những hạn chế nêu trên ít nhiều có ảnh hưởng tới
hiệu quả của việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc
của các thế lực thù địch.
Tiến công làm mục ruỗng tư tưởng và đời sống tinh thần
xã hội, từ đó thao túng, làm chệch hướng phát triển của Việt Nam, đó chính là
cái đích mà các thế lực thù địch đã và đang hướng tới. Vì thế, chủ động, tích cực
đấu tranh làm thất bại cuộc tiến công này cần phải huy động sức mạnh của toàn Ðảng,
toàn dân. Về mặt lý luận, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển
và phổ cập hệ thống lý luận, cung cấp luận cứ khoa học về chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam một cách rộng
khắp để nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng sức đề kháng của toàn xã hội trước
các luận điểm xuyên tạc, vu cáo, kích động của các thế lực thù địch. Ðây là một
quá trình, một cuộc đấu tranh phức tạp, khó khăn, lâu dài, vừa có tính chiến đấu,
vừa phải có sức thuyết phục, huy động được sức mạnh tổng hợp của bản lĩnh, trí
tuệ, lương tri và lòng yêu nước, năng lực khoa học, ý thức tự giác của mọi công
dân trong hoạt động hằng ngày, trong khi tham gia mạng xã hội, và phải nỗ lực một
cách bền bỉ. Trên ý nghĩa nhất định, có thể coi đây là cuộc đấu tranh toàn diện
trong bối cảnh mới, mà ở đó, sự kết hợp biện chứng giữa sức mạnh của lý luận với
các thành tựu từ hoạt động thực tiễn là bằng chứng cụ thể, là cơ sở vững chắc
bác bỏ các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc. Trong cuộc đấu tranh đó,
báo chí và truyền thông giữ vai trò cực kỳ quan trọng, cho nên cần coi việc đấu
tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc
của các thế lực thù địch là một nhiệm vụ của mỗi cơ quan báo chí, mỗi địa chỉ
truyền thông. Ðể hoàn thành nhiệm vụ này, báo chí và truyền thông cần xác định
cụ thể về trách nhiệm để chủ động, linh hoạt tổ chức, công bố tin, bài đấu
tranh, phản bác có tầm lý luận, mang ý nghĩa thực tiễn, có tính thuyết phục,
góp phần củng cố và bảo vệ đời sống tinh thần của xã hội.
Mỗi chúng ta phải nêu cao tinh thần cảnh giác và đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các phần tử cơ hội chính trị.
Trả lờiXóaĐấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.
Trả lờiXóa