Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

SỰ THA HÓA QUYỀN LỰC TINH VI, PHỨC TẠP

Thực tiễn cho thấy, sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở nước ta thời gian qua diễn ra bằng nhiều phương thức rất đa dạng, tinh vi, phức tạp, từ việc dùng quyền hạn của mình để tác động không đúng, không phù hợp cho đến sự “ưu ái” đối với các lĩnh vực nhằm trục lợi cho mình và nhóm lợi ích… Hầu hết sai phạm đều có liên quan đến cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn trong việc quyết định chủ trương, chính sách, cấp phép, cấp vốn, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ…
Không chỉ có cán bộ lãnh đạo, quản lý tha hóa quyền lực mà cả những công chức, viên chức trong đó có cán bộ tham mưu, giúp việc, trợ lý, thư ký riêng… cũng lợi dụng vị trí công tác được phân công để trục lợi cá nhân, phe nhóm, gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, sự tha hóa quyền lực vừa trắng trợn vừa tinh vi, câu kết chặt chẽ “trên - dưới”, “trong - ngoài” bằng “luật ngầm” đã xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều ngành. Thậm chí, trong chừng mực nhất định, đã xuất hiện dấu hiệu tha hóa quyền lực của cán bộ, đảng viên gắn với tội phạm có tổ chức.
Điều đáng lưu tâm là, sự tha hóa quyền lực đã có nhiều dư luận, nhiều người biết, nhưng để phòng, chống được các biểu hiện của sự tha hóa quyền lực lại không hề dễ dàng, vì sự đan xen trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ gắn với người có chức vụ, có quyền hạn ở các cấp, các lĩnh vực. 
Ranh giới giữa khuôn khổ quyền hạn được giao và sự năng động, sáng tạo rất mong manh và những tình huống trong thực tiễn rất đa dạng, phong phú. Nếu không làm rõ được vấn đề này cộng với “cách nhìn” phiến diện rất dễ dẫn đến “chụp mũ” cho cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm lợi cho Đảng, cho dân nhưng nhiều khi lại bị cho là lạm quyền, lộng quyền hoặc cố ý làm trái, dẫn đến làm thui chột động lực phát triển.
Mặt khác, việc phát hiện và xử lý các vụ việc có liên quan đến tha hóa quyền lực thường rất khó khăn, phức tạp, vì nó gắn với người có chức vụ, có quyền hạn nên có mối quan hệ chằng chịt, đa dạng, có trường hợp bao che, phản kích quyết liệt lại lực lượng kiểm tra. 
Thực tế, chủ yếu các vụ việc tha hóa quyền lực đều nhằm trục lợi - tức là tham nhũng, nên nảy sinh sự cấu kết rất chặt chẽ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ, bất chấp các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bất chấp cả đạo lý. Những vụ việc tha hóa quyền lực của cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là của cán bộ lãnh đạo, quản lý biểu hiện rất đa dạng, tinh vi, theo từng vụ, việc và thường “vây quanh” một số cá nhân nhất định. Lợi dụng tính thiếu công khai, minh bạch, thiếu cơ chế và chế tài kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức lợi dụng kẽ hở trong các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để trục lợi. 

2 nhận xét:

  1. Dù có tinh vi đến đâu chăng nữa thì các sai phạm trong lợi dụng chức vụ, quyền hạn cũng bộc lộ ra ngoài và sẽ bị xử lý

    Trả lờiXóa