Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

HOÀN THIỆN HỆ THỐNG VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM

Kể từ khi nộp Báo cáo quốc gia lần thứ hai về việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 2002 đến nay, Việt Nam ngày càng chú trọng công tác xây dựng pháp luật và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, đặc biệt là sau Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Chỉ trong vòng hơn 10 năm, rất nhiều luật quan trọng liên quan trực tiếp đến các quyền dân sự, chính trị đã được ban hành và liên tục được rà soát để sửa đổi, bổ sung nhằm mục đích ngày càng ghi nhận đầy đủ nhất các quyền này.

Hiến pháp được Quốc hội thông qua năm 2013 đã đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nhận thức về quyền con người cũng như trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực. Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 2013, nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới, trong đó bao gồm các nội dung về quyền con người, quyền công dân. Chỉ tính từ tháng 1-2014 đến nay, đã có khoảng hơn 100 luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, trong đó có nhiều luật quan trọng về quyền con người, chẳng hạn như: Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; Luật Báo chí năm 2016; Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017; Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Tố cáo năm 2018; Luật Đặc xá năm 2018... Các đạo luật này quy định đầy đủ, rõ ràng hầu hết các quyền dân sự và chính trị; các cơ chế bảo đảm và phát huy các quyền này tại Việt Nam...
Các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành cụ thể có liên quan đến quyền dân sự và chính trị cũng đều có quy định về nguyên tắc đảm bảo thực thi quyền. Pháp luật về quyền giám sát của các cơ quan dân cử, quyền trực tiếp giám sát, kiểm tra của công dân đối với các hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức đã đổi mới một bước, theo đó hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đã được thực hiện thường xuyên hơn. Các hình thức giám sát được tổ chức đa dạng, phong phú như việc trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát; bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn...

2 nhận xét:

  1. Việt Nam rất quan tâm đến hoàn thiện các văn bản pháp luật, do đó đã đạt được các kết quả rất đáng khích lệ, được thế giới đánh giá rất cao

    Trả lờiXóa