Từ năm 2000 đến nay, tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc,
chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh được trao đổi, thảo luận xoay quanh
các vấn đề: 1- Tăng cường vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình
phòng ngừa, giải quyết xung đột, xây dựng và gìn giữ hòa bình. 2- Từ năm
2008, Hội đồng Bảo an đã thông qua các Nghị quyết số 1820, 1888, 1960, 2106,
2467, nhìn nhận các hình thức bạo lực tình dục đối với phụ nữ được coi là tội
ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người; các quốc gia có vai trò và trách
nhiệm giải quyết nguồn gốc bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; nhấn mạnh vai
trò của Hội đồng Bảo an trong tăng cường giám sát việc thực thi của các bên
tham gia xung đột. 3- Thiết lập và tăng cường sử dụng các biện pháp đánh giá,
theo dõi việc thực hiện các nội dung của chương trình phụ nữ, hòa bình và an
ninh. 4- Đào tạo, tăng cường năng lực cho lực lượng phòng ngừa và giải quyết
tình trạng bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang; kêu gọi hình thành các
nhóm chuyên gia tại nơi xảy ra bạo lực tình dục; tăng cường ngân sách dành cho
đào tạo, phân tích và các chương trình giới. 5- Vai trò của phụ nữ trong các hoạt
động gìn giữ hòa bình và phòng ngừa bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang.
6- Vai trò của các tổ chức khu vực, tiểu khu vực trong củng cố chính sách, tăng
cường vai trò, sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong tiến trình hướng tới
bảo đảm lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi bạo lực tình dục
trong xung đột vũ trang. 7- Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội (CSO)
trong thúc đẩy sự tham dự của phụ nữ giải quyết xung đột, giải quyết bạo lực
tình dục, xây dựng hòa bình...
Mới đây nhất, tháng 4-2019, Hội đồng Bảo an đã thông
qua và ban hành Nghị quyết số 2467 về bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang.
Theo đó, các quốc gia có trách nhiệm giải quyết nguồn gốc của bạo lực đối với
phụ nữ và trẻ em gái, trên cơ sở tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm, chú trọng
quyền và nhu cầu của nạn nhân, nhấn mạnh vai trò của Hội đồng Bảo an trong tăng
cường giám sát thực thi của các bên tham gia xung đột, thách thức hiện nay đối
với phòng, chống bạo lực tình dục trong xung đột; kêu gọi các Ủy ban chuyên
trách áp dụng những biện pháp trừng phạt có chủ đích nhằm vào hung
thủ hay những kẻ chủ mưu thực hiện hành vi bạo lực tình dục trong
xung đột... Năm 2020, trong bối cảnh Liên hợp quốc kỷ niệm 20 năm thông qua
Nghị quyết số 1325, các nước thành viên Liên hợp quốc đều nhấn mạnh tầm quan trọng
của việc bảo đảm bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các
tiến trình ra quyết định; ưu tiên ngăn ngừa xung đột và giải quyết các thách thức
đang nổi lên; cam kết thúc đẩy triển khai chương trình phụ nữ, hòa bình và an
ninh trong vòng 18 tháng, từ tháng 4-2019 đến tháng 10-2020.
Bên cạnh Hội đồng Bảo an, một số cơ chế khác của Liên
hợp quốc cũng tham gia triển khai, lồng ghép nội dung phụ nữ, hòa bình và an
ninh trong chính sách và hoạt động hằng năm của mình, như Cơ quan Liên hợp quốc
về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) có nhiệm vụ thúc đẩy bình
đẳng giới, tăng cường quyền năng cho phụ nữ, hỗ trợ Tổng Thư ký Liên hợp quốc
điều phối và tham vấn lấy ý kiến các quốc gia, khu vực để xây dựng nhiều báo
cáo quan trọng về chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh; Cục gìn giữ hòa
bình Liên hợp quốc (DPKO) thúc đẩy, gia tăng số lượng phụ nữ tham gia các chiến
dịch gìn giữ hòa bình; Vụ các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Liên hợp quốc
(DDPA) thành lập Nhóm giới, hòa bình và an ninh nhằm xây dựng chính sách, nâng
cao năng lực nhân viên trong triển khai các nghị quyết về phụ nữ, hòa bình và
an ninh cũng như bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang... Ngoài ra, một số
sáng kiến không chính thức cũng được thành lập nhằm thúc đẩy chương trình phụ nữ,
hòa bình và an ninh, như Nhóm Bạn bè 1325; Mạng lưới đầu mối quốc gia về phụ
nữ, hòa bình và an ninh; Bộ chỉ số về phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPSI).
Bài viết có nội dung rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóaPhụ nữ luôn là chủ đề nóng bỏng với tất cả các nước
Trả lờiXóa