Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC ĐỂ PHÒNG VÀ CHỐNG SỰ SUY THOÁI CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, việc nhận diện đúng về quyền lực, tha hóa quyền lực, kiểm soát quyền lực để ngăn chặn, phòng và chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đến đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp đã được triển khai từ Trung ương đến cơ sở.

Có thể nói, cùng với việc "tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương” theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, “các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm”; đồng thời “xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm” theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, 7 khóa XII đã cho thấy vấn đề kiểm soát quyền lực được chú trọng thực hiện, từng bước đem lại kết quả rõ rệt.
Trong đó, dấu ấn đậm nét nhất chính là tại các cấp ủy Đảng: thông qua tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát đã kịp thời phát hiện và tiến hành đúng trình tự để xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm pháp luật về tham ô, tham nhũng, v.v.. Công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được thực thi nghiêm túc. Việc xây dựng, ban hành nhiều văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã từng bước khắc phục những sơ hở, bất cập trong các quy định của pháp luật… Công tác phòng, chống sự tha hóa quyền lực, suy thoái về đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng đã và đang cho thấy, việc xây dựng cơ chế và quá trình kiểm soát quyền lực được đẩy mạnh. Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra xuống đến cấp ủy cấp huyện và cơ sở, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ án tham nhũng, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Đồng thời, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; xử lý nghiêm cả cán bộ đương chức, nghỉ hưu và cán bộ cấp cao; kỷ luật từ trên xuống dưới "không có vùng cấm", "không có trường hợp ngoại lệ"... góp phần củng cố niềm tin của nhân dân như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của một số tổ chức và cá nhân 
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật về thực trạng suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức quyền, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ: Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái…Trong khi đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ.
Việc đăng ký, tự soi theo 27 biểu hiện suy thoái (9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ) theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII ở các cấp ủy (thông qua công tác tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát) vẫn cho thấy: ở đâu đó, với quyền lực được giao phó, sự suy thoái của bộ phận cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ cao cấp vẫn đang diễn ra, không chỉ gây bức xúc trong nhân dân mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Đảng cầm quyền.
Từ chỉ dẫn của V.I Lênin và Hồ Chí Minh về yêu cầu và biện pháp để thực hiện kiểm soát quyền lực trong Đảng và hệ thống chính trị hiệu quả, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định phải tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực. Cụ thể, “phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn”; phải đồng thời tiến hành kiểm tra ngang và kiểm tra dọc, từ trên xuống và từ dưới lên; phải phát huy vai trò của nhân dân trong công tác kiểm tra và giám sát; từng đoàn thể phải xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát, chống lạm quyền, trục lợi từ quyền lực đảm bảo hiệu quả... 

2 nhận xét:

  1. Để kiểm soát được quyền lực cần tăng cường kiểm tra, giám sát quyền lực và thực hiện nghiêm túc quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ các cấp

    Trả lờiXóa