Năm 2009, tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam
đã chủ trì cuộc Thảo luận mở về chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh; giới
thiệu và vận động thông qua Nghị quyết số 1889 (tháng 10-2009) - nghị quyết đầu
tiên của Hội đồng Bảo an tập trung vào đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái
trong giai đoạn hậu xung đột. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam soạn thảo, chủ
trì thương lượng, thúc đẩy Hội đồng Bảo an đồng thuận thông qua Nghị quyết số
1889 về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Đến nay, tại các diễn đàn của Liên hợp quốc nói chung
và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nói riêng, Việt Nam đều tích cực tham gia thảo
luận, nhấn mạnh vai trò tích cực của phụ nữ đối với hòa bình nói chung và hoạt
động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nói riêng, nhất là tăng cường hiệu quả
giải quyết các vấn đề về giới, bảo vệ và thúc đẩy thực thi quyền lợi của phụ nữ
và trẻ em gái; tạo động lực để phụ nữ, trẻ em tại khu vực tham gia tích cực hơn
vào hoạt động gìn giữ hòa bình và có tác động tích cực nhằm giải quyết vấn đề lạm
dụng và bạo lực tình dục trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việt
Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc tăng cường vai trò quan trọng và sự
tham gia của phụ nữ Việt Nam trong suốt quá trình tái thiết và phát triển sau
khi đất nước giành được độc lập và thống nhất, như việc tham gia khắc phục hậu
quả chiến tranh, rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ, góp phần tích cực vào việc
bảo đảm an toàn và sinh kế cho các cộng đồng dân cư.
Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã và đang hoàn thiện
các văn bản về bình đẳng giới, lồng ghép giới trong luật pháp, chính sách và
các chương trình cụ thể. Đơn cử như, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007,
của Bộ Chính trị, về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn
2011 - 2020 (ngày 24-12-2010); Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng
nhân dân (tháng 5-2015); Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-1-2018, của Ban Bí thư, về tiếp
tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
Ngoài ra, trong lĩnh vực hòa bình, an ninh, Việt Nam
đã và đang tích cực nâng cao vai trò của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa
bình của Liên hợp quốc. Năm 2017, Việt Nam đã cử một nữ quân nhân tham gia làm
nhiệm vụ sĩ quan tham mưu tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam
Xu-đăng. Tiếp đó, năm 2018, Việt Nam triển khai Bệnh viện dã chiến cấp II đầu
tiên tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng, trong đó có 10
thành viên nữ (chiếm hơn 15%) tham gia làm nhiệm vụ. Các tổ chức phụ nữ của
Việt Nam đóng vai trò tích cực trong khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng xã
hội an toàn, hòa bình, ổn định.
Việt Nam hiện đang đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường
trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (E10) nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đây là giai đoạn
thuận lợi mà Việt Nam có nhiều dư địa để tiếp tục thúc đẩy chương trình phụ nữ,
hòa bình và an ninh như đã triển khai trong nhiệm kỳ 2008 - 2009; tranh thủ đề
xuất, thúc đẩy các ưu tiên, sáng kiến trong lĩnh vực này tại Hội đồng Bảo an
Liên hợp quốc. Cụ thể như: 1- Tiếp nối, cập nhật các nội dung Nghị quyết số
1889 (Việt Nam chủ trì xây dựng năm 2008) một cách phù hợp thông qua việc tập
trung về một vấn đề cụ thể hơn, như “bảo vệ và hỗ trợ các góa phụ và trẻ em
trong xung đột vũ trang”(14), tăng cường sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái
và vai trò lãnh đạo nữ trong ngăn ngừa xung đột; 2- Tham gia nghiên cứu, đóng
góp và đề xuất những giải pháp đối với các rào cản liên quan đến sự tham gia của
phụ nữ vào các lực lượng gìn giữ hòa bình; 3- Nghiên cứu thúc đẩy quan hệ giữa
ASEAN và Liên hợp quốc nói chung, Hội đồng Bảo an nói riêng thông qua việc chia
sẻ kinh nghiệm của ASEAN trong triển khai các sáng kiến về phụ nữ, hòa bình và
an ninh trong ngăn ngừa xung đột và ngoại giao phòng ngừa; 4- Thúc đẩy, tham
gia các sáng kiến về việc nâng cao vai trò của phụ nữ tại các khu vực xung đột
và hậu xung đột do tác động của biến đổi khí hậu đem lại; 5- Tranh thủ thu hút
các dự án, nguồn lực của Liên hợp quốc và khu vực tư nhân trong hỗ trợ thực hiện
chương trình của Việt Nam liên quan đến phụ nữ, trẻ em.
Tóm lại, phụ nữ, hòa bình và an ninh là một chủ đề
quan trọng, xuyên suốt được thảo luận chuyên sâu trong suốt gần 20 năm qua tại
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cơ chế liên quan, thu hút sự quan tâm và
chú ý của tất cả các nước trên thế giới. Đây là cơ hội giúp Việt Nam nâng cao vị
thế, thể hiện trách nhiệm của một thành viên trong E10 nói riêng và quốc gia
thành viên Liên hợp quốc nói chung, góp phần triển khai thực hiện đường lối đối
ngoại của Đại hội XII, Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007, của Bộ Chính
trị, về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước, Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị, về “chủ động,
tích cực hội nhập quốc tế”, Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-1-2018, của Ban
Bí thư, về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và
Chỉ thị số 25/CT-TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về “Đẩy
mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”./.
Đây là nôi dung rất quan trọng, cần có chương trình hết sức cụ thể
Trả lờiXóaBạn nói rất đúng, tôi cũng nghĩ vậy
Xóa