Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp, nhanh chóng
và khó lường của tình hình thế giới, khu vực; những thuận lợi, thời cơ, triển vọng
và cả những khó khăn, thách thức mới của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa,
xã hội đất nước… đã xuất hiện và phát triển những quan điểm sai trái, thù địch
với nhiều cấp độ, trình độ và hình thức biểu hiện từ nhiều đối tượng khác nhau.
Những quan điểm này của các thế lực thù địch, các phần
tử phản động, thoái hóa, cơ hội chính trị, bất mãn và có cả những người trong nội
bộ chúng ta do trình độ lý luận, trình độ nhận thức chính trị yếu kém mà nảy
sinh những quan điểm sai trái đang tấn công toàn diện, vừa trực tiếp vừa gián
tiếp vào những vấn đề về tư tưởng, chính trị đến các vấn đề xã hội, văn hóa, quốc
phòng, an ninh: từ những vấn đề về đối nội đến các vấn đề đối ngoại; từ những vấn
đề về chủ trương, chính sách đến các vấn đề thuộc tổ chức thực hiện; từ con người
đến tổ chức, đặc biệt là tổ chức Đảng; từ quá khứ, lịch sử đến hiện tại và cả
tương lai phát triển của dân tộc; từ cả những thành tựu, ưu điểm đến những hạn
chế, nhược điểm, khó khăn, thách thức của chúng ta… Điều đó đã và đang gây nên
nhiều nguy hại đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đe dọa sự tồn vong
của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nhiều người trong số họ còn có trình độ học vấn, trình
độ lý luận khá cao. Đây thực sự là một khó khăn, một thách thức đối với chúng
ta trong việc làm thế nào để đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù
địch một cách có hiệu quả.
Muốn bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch,
nhất thiết chúng ta phải xây dựng được hệ thống lý luận thật sự sắc bén. Nội
hàm cơ bản và tính thực tiễn của lý luận sắc bén biểu hiện ở chỗ, nó phải có đủ
sức, đủ khả năng vạch rõ được âm mưu, thủ đoạn, tính chất sai trái, phản
khoa học, phi lịch sử, tính chất nguy hại... của các quan điểm sai trái,
thù địch, phải đấu tranh, phản bác thật sự thuyết phục.
Nhìn nhận thực tế, lý luận đấu tranh, phản bác của
chúng ta hiện còn thiếu độ sắc bén, tính thuyết phục còn nhiều hạn chế. Nhiều
bài viết đấu tranh mới chủ yếu nhấn mạnh tính chất phản động, chống Đảng, chống
chế độ mà chưa vạch rõ được tính chất sai trái, phản khoa học của các quan
điểm sai trái, thù địch. Ở không ít bài, việc luận giải tính chất sai trái,
phản khoa học của các quan điểm sai trái, thù địch còn có biểu hiện “gượng
ép”, phê phán, phản bác lấy được, theo kiểu “hàng tôm hàng cá”. Một số công
trình khoa học, tác phẩm, bài viết đấu tranh còn thoát ly, xa rời thực tiễn xã
hội và thực tế đấu tranh; đưa ra quan điểm ở dạng mô phỏng, minh họa đường lối,
quan điểm của Đảng, thậm chí mô phỏng còn hời hợt, nông cạn và cả lệch lạc,
chưa cắt nghĩa được đủ độ sâu các vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Không ít công
trình nghiên cứu sử dụng các luận điểm kinh điển chỉ để minh họa mà không phân
tích sâu sắc bản chất của các sự vật, hiện tượng, làm cho chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bị xơ cứng, thiếu tính sáng tạo, sống động, nên đấu
tranh, phản bác kém hiệu quả.
Xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có
hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một vấn đề tất yếu, cấp thiết và đặc
biệt quan trọng hiện nay. Đó không phải là hoạt động tức thì mà là một quá
trình: xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh phản bác gắn chặt với quá trình đấu
tranh, gắn với thực tiễn đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình”, phản bác
các quan điểm sai trái, thù địch. Quá trình xây dựng lý luận sắc bén để đấu
tranh phản bác cũng đồng thời phải là quá trình vận dụng, đưa lý luận vào thực
tiễn đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tiếp tục bổ sung,
hoàn thiện lý luận chặt chẽ, đảm bảo cho nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các quan
điểm sai trái, thù địch có hiệu quả.
Trong quá trình xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh,
phản bác cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lý luận là
đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu xem xét,
so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với
thực tế. Đó là lý luận chân chính. Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương
hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như
nhắm mắt mà đi”. Đồng thời, cần phải thực hiện hệ thống giải pháp đồng bộ,
toàn diện; trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Trước hết, phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận,
tổng kết thực tiễn.
Thứ hai, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu
lý luận giỏi, có trình độ cao.
Thứ ba, xây dựng các cơ quan nghiên cứu lý luận thực sự
vững mạnh.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cán bộ các cấp
Trả lờiXóaHiện nay có rất nhiều kẻ phản động vì những đồng tiền dơ bẩn đã xuyên tạc và chống phá đất nước; chúng ta phải vạch trần và đấu tranh loại bỏ thủ đoạn của chúng
Trả lờiXóa