Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

SỰ THAM GIA TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHỤ NỮ, HÒA BÌNH VÀ AN NINH CỦA CÁC QUỐC GIA

Tại Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nói riêng, các nước phát triển chủ yếu tập trung vào một số nội dung, như chống bạo lực tình dục trong chiến tranh, xung đột; trừng phạt các lực lượng vũ trang tại một số nước châu Phi (Xu-đăng, Công-gô, Ma-li...) vì những cáo buộc bạo lực tình dục đối với phụ nữ tại các khu vực có xung đột, chiến tranh, đề cao vai trò của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) trong điều tra, xét xử, thẩm quyền của Hội đồng Bảo an đưa vấn đề nêu trên ra ICC... Nhiều nước phương Tây, như Mỹ, Đan Mạch, Na Uy, Anh, Áo, Thụy Sỹ, Ca-na-đa... đã thông qua chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Các nước đang phát triển chú trọng đến khía cạnh thúc đẩy vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình hòa bình; đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; thúc đẩy bình đẳng giới; chống phân biệt đối xử và bạo lực; ủng hộ các biện pháp nâng cao nhận thức đối với người dân, nhất là với phụ nữ... Các nước đang phát triển cũng tập trung vào vai trò và trách nhiệm hàng đầu của quốc gia, nhìn nhận không có một giải pháp chung cho tất cả, tôn trọng chủ quyền quốc gia và các biện pháp mà chính phủ nước đó tiến hành cần phù hợp với tình hình thực tế đất nước, ngăn ngừa và chấm dứt xung đột thông qua các biện pháp hòa bình.
Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực, sự đóng góp của các nước đang phát triển dành cho chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh còn gặp khó khăn. Ngày 23-4-2019, trong sự kiện cấp cao thảo luận hướng tới kỷ niệm 20 năm ban hành Nghị quyết số 1325, diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc (Niu Oóc), một số nước, như Ma-lai-xi-a, Gia-mai-ca, Pê-ru cam kết sẽ tăng số lượng phụ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Ca-dắc-xtan, Li-bê-ri-a, Man-ta cam kết sớm hoàn thành báo cáo thực hiện Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), phê chuẩn Nghị định thư CEDAW. Nam Phi, Li-bê-ri-a ưu tiên tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình ra quyết định. Xéc-bi, Ác-hen-ti-na, U-ru-goay cam kết thông qua và triển khai các luật, chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, chống bạo lực gia đình, xây dựng ngân sách có tính đến yếu tố giới. Xri Lan-ca, Nam Phi, Ai Cập cam kết xây dựng Chương trình hành động quốc gia đầu tiên về vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Tại khu vực Đông Nam Á, ASEAN đang nỗ lực thúc đẩy lồng ghép vấn đề giới vào cả ba trụ cột Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội. Việc ASEAN thông qua Tuyên bố chung ASEAN về phụ nữ, hòa bình và an ninh; Tuyên bố triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự 2030 trên cơ sở góc độ giới; Chương trình hành động lồng ghép sự tham gia kinh tế của phụ nữ..., là một trong những minh chứng rõ nét về điều này.

2 nhận xét:

  1. Các quốc gia cần có chính sách quan tâm nhiều hơn nữa đến chị em phụ nữ

    Trả lờiXóa
  2. Phụ nữ ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng; do đó cần quan tâm tới phụ nữ nhiều hơn

    Trả lờiXóa