Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

RÈN LUYỆN CÁCH DIỄN ĐẠT CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN THEO PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Phong cách của Hồ Chí Minh là một di sản vô giá mà Người để lại cho Đảng và dân tộc ta. Việc nghiên cứu, học tập, vận dụng phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có phong cách diễn đạt của cán bộ, đảng viên, nhằm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng là vấn đề hết sức cấp thiết trong tình hình hiện nay. Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa cái dân gian, đời thường với cái hàn lâm, bác học, cái cổ điển truyền thống với cái hiện đại, giữa duy tình phương Đông với duy lý phương Tây và nhất quán trong diễn đạt.
Hồ Chí Minh đã sử dụng ngôn ngữ như một vũ khí đấu tranh cho độc lập dân tộc và công cụ giao tiếp giữa người với người để chỉ ra lẽ phải, tuyên truyền và tổ chức nhân dân, soi sáng ý nghĩ và cảm hóa tấm lòng của người đọc, người nghe. 
Cách viết, cách nói của Hồ Chí Minh là sự lựa chọn thích hợp để trả lời bốn câu hỏi cơ bản do Người đề ra đã gần nửa thế kỷ, trùng hợp với những câu hỏi của ngôn ngữ học hiện đại, đó là: Viết và nói để làm gì? Viết và nói cho ai? Viết và nói cái gì? Viết và nói thế nào? (tương ứng với: mục đích, đối tượng, nội dung, phương pháp).
Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh là diễn đạt chân thật để cung cấp cho người nghe lượng thông tin ngắn gọn, chính xác. Đây là yêu cầu đầu tiên mà Người đặt ra đối với cán bộ, đảng viên khi nói và viết: “Điều gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Không nên nói ẩu”, và viết “phải đúng sự thật. Không được bịa ra”, “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”, “Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”.
Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh còn là diễn đạt ngắn gọn. Ngắn gọn trong cách nói, cách viết theo Người về mặt nội dung thì phải cô đọng, hàm súc, ý nhiều lời ít, không có lời thừa, ý thừa, chữ thừa, mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải rỗng tuếch mà phải gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung, thiết thực, thấm thía, chắc chắn.
Một đặc điểm nổi bật trong phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh là giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Tính dễ hiểu theo quan điểm của Hồ Chí Minh là: “phải viết cho đúng trình độ của người xem”. Người cho rằng, tuyên truyền bằng ngôn ngữ nói hay ngôn ngữ viết thì mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, một mục đích. Người tuyên truyền khi nói ra, khi viết ra cốt là “Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ qun chúng”. Cán bộ tuyên truyền khi nói, viết “nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng , nhằm không đúng mục đích”. 
Theo Hồ Chí Minh, “cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn”, “phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng”. Người căn dặn cán bộ tuyên truyền: “Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh... Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hóa nó thành cách chỉ đạo nhân dân”
Học phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ không phải bắt chước và không thể bắt chước được Bác mà cần nắm được tinh thần chung là phải  theo phương châm chân thật, rõ ràng, ngắn gọn, thiết thực và phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh. Ví dụ có thể hạn chế ban hành nghị quyết, rút ngắn thời lượng của nghị quyết hay tránh đọc những bài diễn văn dài lê thê ở các cuộc mít tinh trong điều kiện ngoài trời và nhiều đối tượng khác nhau, hiệu quả rất thấp, thậm chí phản tác dụng...

2 nhận xét:

  1. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của nhân dân Việt Nam; chúng ta nguyện mãi học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Người.

    Trả lờiXóa