Ở cấp độ toàn cầu
Một là, số lượng lãnh đạo nữ tại các cơ quan về phụ nữ,
hòa bình và an ninh Liên hợp quốc ngày càng tăng kể từ khi triển khai chương
trình phụ nữ, hòa bình và an ninh. Tính đến tháng 12-2018, phụ nữ chiếm 35% vị
trí cấp trưởng và 48% vị trí cấp phó tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình và Phái bộ
chính trị đặc biệt của Liên hợp quốc (năm 2017 là 26% và 35%)(10). Lần đầu tiên
bổ nhiệm nữ Tổng chỉ huy các Phái bộ hòa bình Liên hợp quốc và Đại diện đặc biệt
của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang.
Thành lập Nhóm chuyên gia không chính thức (IEG) về phụ nữ, hòa bình và an ninh
và Nhóm chuyên gia về pháp luật và bạo lực tình dục trong xung đột vũ
trang.
Hai là, ban hành Bộ chỉ số toàn cầu (Global
Indicators) đánh giá việc thực hiện các nội dung về phụ nữ, hòa bình và an ninh
(gồm 26 chỉ số định tính và định lượng). Các quốc gia thành viên trên cơ sở đó
có thể báo cáo việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần (ít nhất 9 chỉ số). Việc
ban hành bộ chỉ số đóng góp thực chất cho công tác nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh
các chính sách phù hợp trong triển khai các nhiệm vụ trong tương lai một cách
hiệu quả và mang lại lợi ích, hòa bình cho các khu vực trên thế giới, cũng như
thể hiện trách nhiệm của các quốc gia trong thực hiện nhiệm vụ và vai trò thành
viên Liên hợp quốc của mình.
Ba là, xây dựng và ban hành báo cáo của Tổng Thư ký
Liên hợp quốc về “Phòng ngừa xung đột, biến chuyển công bằng, củng cố hòa bình:
Nghiên cứu toàn cầu về việc triển khai Nghị quyết số 1325” nhân dịp kỷ niệm 15
năm ban hành Nghị quyết số 1325 và triển khai chương trình phụ nữ, hòa bình và
an ninh. Báo cáo là một công cụ tham khảo hữu ích cho các nước thành viên Liên
hợp quốc sử dụng, tham chiếu kết quả triển khai của quốc gia mình và ban hành định
hướng triển khai sau năm 2015.
Bốn là, ban hành văn kiện về khung kết quả chiến lược
Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2011 - 2020 nhằm định hướng
tiếp tục triển khai Nghị quyết số 1325 và các nghị quyết có liên quan của Liên
hợp quốc về chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Năm là, ban hành các báo cáo thường niên của Tổng Thư
ký Liên hợp quốc về chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh (từ năm 2011); bạo
lực tình dục trong xung đột vũ trang (từ năm 2012); cung cấp thông tin về các
biện pháp ứng phó của hệ thống Liên hợp quốc đối với lạm dụng và bóc lột tình dục
(từ năm 2018).
Sáu là, thành lập Quỹ Hòa bình và Nhân đạo phụ nữ
hướng tới hỗ trợ sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình ra quyết sách, phòng
ngừa xung đột, phục hồi nền kinh tế hậu xung đột, tham gia vị trí lãnh đạo, bảo
vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái.
Ở cấp độ quốc gia
Đến tháng 8-2019, đã có 81 quốc gia và vùng lãnh thổ
xây dựng và thông qua Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an
ninh. Tỷ lệ phụ nữ trên thế giới giữ chức vụ cấp bộ trưởng là 20,7%, so với
18,3% tại các quốc gia xung đột và hậu xung đột; 24,3% số ghế trong quốc hội
các nước do phụ nữ nắm giữ. Tại các quốc gia xung đột và hậu xung đột, tỷ lệ
này là 19%.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn xuất hiện một số vấn
đề đặt ra trong quá trình thực hiện chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh. Cụ
thể là: 1- Hội đồng Bảo an còn thiếu cơ chế tổng thể theo dõi, tổng kết, đánh
giá chung về việc thực hiện chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh. 2- Số lượng
quốc gia xây dựng Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an
ninh còn tương đối thấp. Tại các quốc gia đã thông qua chương trình hành động,
đa phần các dự án mang tính ngắn hạn, có quy mô nhỏ và ngân sách hạn hẹp; thiếu
các công cụ đánh giá hiệu quả thực thi. 3- Sự tham gia của phụ nữ trong tiến
trình đàm phán, xây dựng hòa bình, an ninh, tái thiết hậu xung đột còn hạn chế.
4- Khoảng cách giữa cam kết chính trị và bố trí nguồn lực tài chính trên thực tế
trong triển khai chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh còn lớn. 5- Việc thu
thập dữ liệu gặp khó khăn do bối cảnh xảy ra xung đột, hạn chế về năng lực và
nguồn lực, dẫn đến khó khăn trong thực hiện và đánh giá hiệu quả thực hiện
chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Đây là những kết quả rất tốt, nhưng các quốc gia cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa
Trả lờiXóaBạn nói rất chính xác
Xóa