Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

VẤN ĐỀ ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN THEO PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Phong cách của Hồ Chí Minh là một di sản vô giá mà Người để lại cho Đảng và dân tộc ta. Việc nghiên cứu, học tập, vận dụng phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có phong cách ứng xử của cán bộ, đảng viên, nhằm phát huy năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng là vấn đề hết sức cấp thiết trong tình hình hiện nay. Ứng xử chỉ có trong giao tiếp, được thể hiện bằng ngôn từ, cử chỉ, thái độ, phong phái, phong độ của chủ thể với đối tượng giao tiếp. Phong cách ứng xử của Hồ Chí Minh thực sự là phong cách ứng xử văn hóa, rất tự nhiên, bình dị, cởi mở, chân tình, vừa chủ động, linh hoạt, lại vừa ân cần, tế nhị đối với nhân dân, bạn bè, đồng chí, dù là nguyên thủ quốc gia hay những nông dân,công nhân bình thường. 
Ứng xử thể hiện ở sự khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp. Trong các cuộc tiếp xúc, Người thường khiêm tốn, không bao giờ đặt mình cao hơn người khác, mà trái lại, luôn hòa nhã, quan tâm chu đáo đến những người chung quanh. Phong cách ứng xử của Người vừa khiêm tốn, nhã nhặn, lịch lãm vừa linh hoạt, biến hóa, lại chân tình, nồng hậu, có lý, có tình chứa đựng những giá trị nhân bản của con người, yêu thương, quý mến, trân trọng con người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Khi cần phê bình, Người rất nghiêm khắc, nhưng rất độ lượng, bao dung, không bao giờ bao che, mục đích là nhằm nâng con người lên chứ không hạ thấp, vùi dập.
Ứng xử thể hiện ở sự chân tình, nồng hậu, tự nhiên. Khi gặp gỡ mọi người, với những cử chỉ thân mật, lời hỏi thăm chân tình, Người đã tạo ra một bầu không khí thân mật, thoải mái, thân thiết như trong một gia đình. Điều gợi ý sâu sắc từ tư tưởng và thực tiễn sống động Hồ Chí Minh là ở chỗ, văn hóa ứng xử trước hết là văn hóa tự ứng xử. Trau dồi học vấn để từng bước đạt tới sự trưởng thành văn hóa; rèn luyện đạo đức, đặc biệt là các đức tính để rèn luyện nhân cách - những nội dung giáo dục ấy phải thấm sâu vào tình cảm con người, tăng cường được năng lực trí tuệ, tự giác trở thành nhu cầu và lối sống.
Ứng xử thể hiện ở sự linh hoạt, chủ động, biến hóa. Ứng xử văn hóa Hồ Chí Minh đạt tới sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm nồng hậu với lý trí sáng suốt, linh hoạt, uyển chuyển, sẵn sàng vì cái lớn mà châm chước cái nhỏ.
Ứng xử thể hiện ở sự vui vẻ, hòa nhã, xóa nhòa mọi khoảng cách. Trong văn hóa giao tiếp, ứng xử với mọi người, Hồ Chí Minh luôn xuất hiện với thái độ vui vẻ, năng khiếu hài hước đã xóa đi mọi khoảng cách, những nghi thức trịnh trọng không cần thiết, tạo không khí chan hòa, gần gũi.
Người cán bộ cần học cách ứng xử với mọi người, không chỉ trong cơ quan, đơn vị mà cả xã hội, gia đình theo những giá trị tốt đẹp của đạo đức truyền thống. Ứng xử tốt, người lãnh đạo sẽ nắm được nhiều thông tin hơn, tạo sự gần gũi với nhân dân, nhất là người dưới quyền để tạo nên sự tin tưởng, quan tâm, chia sẻ và là điều kiện tốt nhất để tập hợp sức mạnh tinh thần, ý chí của mọi thành viên vì nhiệm vụ chung.

2 nhận xét:

  1. Tất cả mọi lời dạy của Bác Hồ vẫn còn giữ nguyên giá trị, chúng ta phải luôn ghi nhớ, học tập và thực hiện thật tốt.

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

    Trả lờiXóa