Ngay từ khi chuẩn bị chính trị, tư tưởng và tổ chức
cho sự ra đời của một chính đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng
định trong tác phẩm Đường Cách mệnh (xuất bản năm 1927): “Cách mạng
Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải lấy dân chúng công
nông làm gốc”. Sau này, khi nói về Đảng Cộng sản Việt
Nam - đội tiền phong của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam, Hồ
Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân,
của toàn thể nhân dân lao động, chứ không mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm
người nào, của cá nhân nào”.
Lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đã
chứng minh rằng, cùng với mỗi bước ngoặt của cách mạng, tình hình và nhiệm vụ của
Đảng cũng có sự thay đổi. Song, ở đâu và lúc nào, dù hoạt động bí mật hay đã cầm
quyền, thì Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng cũng luôn thấu triệt rằng:
Đảng cầm quyền, nhưng nhân dân là chủ, quyền là do nhân dân ủy nhiệm, nên đó phải
là một Đảng luôn phụng sự (dốc lòng phục vụ, tận tụy phục vụ: phục vụ
Tổ quốc) và liêm chính (trong sạch,
ngay thẳng: người liêm chính không có lòng tư túi), để xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa
là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Trong di sản để lại, Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ quan
điểm của Người về yêu cầu xây dựng một Đảng phụng sự và liêm
chính qua các tác phẩm: Chính phủ là công bộc của
dân (19/9/1945); Sao cho được lòng dân (12/10/1945); Thư gửi
Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17/10/1945); Sửa đổi lối
làm việc (10/1947); Dân vận (15/10/1949); Tinh thần và
trách nhiệm (13/12/1951); Tự phê bình và phê
bình (14/2/1952); Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống
bệnh quan liêu (3/1952); Phải xem trọng ý kiến của quần
chúng (21/8/1956); Đạo đức cách mạng (12/1958); Nói chuyện tại
hội nghị thanh tra (5/3/1960); Một lòng một dạ phục vụ nhân
dân (18/1/1961); Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá
nhân (3/2/1969); Di chúc (1969),v.v..
Vì, “nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là
dân vì dân là chủ” và “trong xã hội, không có gì tốt đẹp,
vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”, nên Hồ Chí Minh xác định Đảng Cộng sản
Việt Nam phải là một Đảng liêm chính. Theo đó, đội ngũ cán bộ, đảng
viên của Đảng phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, nhất là phải có và thường
xuyên rèn luyện 5 đức tính tốt: “a) NHÂN là thật thà thương yêu, hết lòng giúp
đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc
có hại đến Đảng, đến nhân dân, vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người,
hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ,
không sợ oai quyền. b) NGHĨA là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy,
không có việc gì phải giấu Đảng, ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng
phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất cứ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn
thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê
bình mình, mà phê bình người khác cũng đúng đắn. c) TRÍ là vì không có việc tư
túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ
tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xét việc. Vì vậy, mà biết làm việc có lợi,
tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cân nhắc người tốt, đề phòng người
gian. d) DŨNG là dũng cảm, gan góc, gặp việc là phải có gan làm. Thấy khuyết điểm
phải có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại sự
vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng,
cho Tổ quốc. đ) LIÊM là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung
sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao
giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ là ham học, ham làm, ham tiến bộ”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là vừa
là người lãnh đạo vừa là người đày tớ, công bộc của nhân dân nên phải luôn “đặt
lợi ích của nhân dân lên trên hết; Liên hệ chặt chẽ với nhân
dân; Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu
rõ; Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh
nhân dân phê bình mình; Sẵn sàng học hỏi nhân dân; Tự mình phải làm gương
mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo. Cán bộ Đảng và chính
quyền ta đều sẵn lòng cầu tiến bộ, sẵn chí phụng sự nhân dân”, để được nhân dân tin yêu và gắn bó.
Đồng thời, để phụng sự và liêm chính được tốt,
Hồ Chí Minh nhấn mạnh và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn
luyện tinh thần, ý chí: “Tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân”, “ra sức
phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng”; “là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho
Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững
kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của
Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân
mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên
mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn dùng
tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và
cùng đồng chí mình tiến bộ”; “vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng
phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết” và “hòa mình với quần chúng thành một
khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến quần chúng”; “vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải
quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu,
quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu”…
Tuy nhiên, sớm tiên lượng nguy cơ suy thoái của đội
ngũ cán bộ, đảng viên khi được trao/ủy quyền, Hồ Chí Minh chỉ rõ, “những
người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương, đều dễ tìm dịp phát
tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc đục khoét nhân dân”. Do đó, để ngăn
ngừa tình trạng “tư túi”, không “dốc lòng phục vụ, tận tụy phục vụ” Tổ quốc và
nhân dân, Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Những người trong các công sở đều có
nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở
nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Cụ thể, theo Hồ Chí Minh: Muốn liêm
chính, “những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu… Mình là
người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc
tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực,
không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì
phải dùng những người tài năng, làm được việc… Chớ lên mặt làm quan cách mệnh”… Đồng thời, để phụng sự tốt, mỗi
cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng
nói, tay làm” để không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ
chức nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - văn
hóa, xã hội mà còn phải “luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm
muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân”, nhằm không ngừng nâng cao
chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thực hiện theo những chỉ dẫn của Người, Đảng Cộng sản
Việt Nam đã xây dựng hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở vững mạnh về
mọi mặt; xây dựng và phát triển đội ngũ đảng viên vừa hồng, vừa chuyên, có đủ
phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo, xứng tầm với nhiệm vụ được giao. Trong
mọi thời điểm, Đảng đều tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc xây dựng Đảng: Tập
trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; kỷ
luật nghiêm minh; đoàn kết thống nhất; gắn bó mật thiết với nhân dân, v.v.. Đồng
thời, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên đã luôn kế thừa, phát
huy truyền thống đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động; truyền
thống đấu tranh kiên cường bất khuất và giữ kỷ luật nghiêm minh; tính tiền
phong gương mẫu, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn gian khổ, chịu đựng hy sinh,
phấn đấu vì mục đích, lý tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, v.v.. để xứng
đáng với vai trò tiền phong, để làm tròn bổn phận phụng sự và giữ
nghiêm tính liêm chính.
Tấm gương đạo đức của Chủ tịch hồ Chí Minh luôn soi sáng cho mọi thế hệ người dân Việt Nam học tập và làm theo.
Trả lờiXóaChúng ta phải tích cự học tập, rèn luyện theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Trả lờiXóa