Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

GIẢI PHÁP KHI THỰC THI CÔNG ƯỚC ICCPR

Trong quá trình thực hiện Công ước ICCPR với mục tiêu hết sức tốt đẹp, Việt Nam phải đương đầu với một số khó khăn, thách thức cả về chủ quan và khách quan. Một là, hậu quả của nhiều cuộc chiến tranh và sự phát triển kinh tế đã khiến môi trường bị tàn phá; Hai là, thu nhập của người dân còn ở mức trung bình thấp; điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế; Ba là, khuôn khổ pháp luật về quyền con người vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, năng lực tổ chức thực hiện pháp luật còn hạn chế, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật còn chưa cao; Bốn là, mức độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng và nhóm dân cư chưa đồng đều; thiếu hụt nguồn lực; Năm là, chất lượng giáo dục về quyền con người mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin; phong tục, tập quán lạc hậu; biến động của tình hình khu vực và quốc tế...
Những thách thức trên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người dân mà còn làm phân tán nguồn lực của đất nước, làm giảm hiệu quả của các chính sách khuyến khích và thúc đẩy phát triển quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam. Tuy vậy, Việt Nam vẫn nỗ lực vượt qua và đặt ưu tiên cao nhất là tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật và tư pháp, thực thi có hiệu quả các quy định pháp luật để thành công hơn nữa trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam.
Trong điều kiện nước ta hiện nay, để thực hiện các mục tiêu trên, cần tập trung vào một số giải pháp sau: Một là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ, thúc đẩy và phát triển quyền con người, quyền công dân; Hai là, xây dựng chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức nhà nước và hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát bảo đảm nhân dân tham gia thực sự công việc Nhà nước; Ba là, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, giảm sự phân hóa giàu nghèo, nền tảng cho phát triển bền vững; Bốn là, tăng cường bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự; Năm là, tăng cường sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đối với cơ quan tư pháp. Sáu là, tăng cường sự giám sát của đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị xã hội đối với hoạt động tư pháp; bảo đảm sự tham gia trong lĩnh vực đấu tranh phát giác tội phạm và tham gia hoạt động xét xử./.

2 nhận xét: