Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

QUYỀN LỰC VÀ CÁCH THỨC ĐỂ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC

Quyền lực “là quyền hành và thế lực mạnh, đủ để quyết định các công việc: nắm quyền lực trong tay- dùng quyền lực ép người ta phải nghe theo, làm theo”; còn kiểm soát quyền lực là “kiểm tra, xem xét, nhằm ngăn ngừa những sai phạm các quy định” và đặt quyền lực “trong phạm vi quyền hành và trách nhiệm” của những người đã được giao/phân công/ủy nhiệm thực thi quyền lực.
Với một chính đảng đã cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên ưu tú được giao/phân công/ủy nhiệm các chức vụ trong Đảng, các cơ quan Nhà nước, hệ thống chính trị. Vì thế, để ngăn ngừa, phòng và chống sự lạm dụng, tha hóa, trục lợi vì quyền lực dẫn đến làm mất đi tính tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên, của Đảng cách mạng, rất cần phải kiểm soát quyền lực trong Đảng. Việc kiểm soát quyền lực của các tổ chức, các cán bộ, đảng viên có chức vụ trong các tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị không chỉ nhằm ngăn chặn, phòng và chống sự tha hóa quyền lực mà còn để thực hiện dân chủ, phát huy dân chủ, làm cho nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng được thực thi nghiêm túc.
Để kiểm soát quyền lực trong Đảng, cả V.I.Lênin và Hồ Chí Minh cùng yêu cầu thực hiện theo hai cách thức chủ yếu: 1) Thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình; 2) Chú trọng thực hiện công tác kiểm tra và giám sát.
Theo V.I.Lênin, “chỉ có kẻ nào không làm một công việc thực tiễn nào mới không bị sai lầm”, “những sai lầm thường khi lại bổ ích, nếu người ta học tập được về những sai lầm đó, nếu những sai lầm đó tôi luyện con người” và “sai lầm cũng dạy chúng ta nhiều bài học…, chúng ta sẽ học tập bằng tự phê bình”. Nhấn mạnh nguyên tắc: “Tự phê bình là một việc tuyệt đối cần thiết cho hết thảy mọi chính đảng sống và đầy sức sống. Không gì tầm thường bằng chủ nghĩa lạc quan tự mãn”, V.I. Lênin chỉ rõ: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho đến nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình. Còn chúng ta, chúng ta sẽ không bị tiêu vong, vì chúng ta không sợ nói lên những nhược điểm của chúng ta, và những nhược điểm đó, chúng ta sẽ học được cách khắc phục”. Vì thế, phải “công khai thừa nhận sai lầm, tìm ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh đã đẻ ra sai lầm”, để kịp thời sửa chữa, khắc phục khuyết điểm
Đồng thời, nhấn mạnh vai trò kiểm soát quyền lực nội bộ Đảng, đặc biệt là kiểm soát quyền lực của các cơ quan Ban Chấp hành, V.I.Lênin đề xuất thành lập Ủy ban Kiểm tra của Đảng và các cơ quan này phải có vị trí tương đương như các Ban Chấp hành, để có thể kiểm soát được quyền lực tối cao của Đảng; góp phần thực thi việc chất vấn trong Đảng, đảm bảo cho dân chủ trong Đảng được thực thi và phát huy tác dụng thực chất.
Để kiểm soát quyền lực, Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Ở đây, sự “tự cao tự đại”, “không dám nói lên những nhược điểm”, “giấu giếm khuyết điểm của mình” theo V.I. Lênin và Hồ Chí Minh cũng chính là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của tổ chức Đảng và những người có chức quyền trong Đảng. Vì vậy, để trong sạch, vững mạnh, Đảng và mỗi cán bộ đảng viên cần phải tự giác thừa nhận sai lầm, “nghiên cứu cẩn thận những biện pháp để sửa chữa sai lầm ấy, đó là dấu hiệu chứng tỏ một đảng nghiêm túc, đó là đảng làm tròn những nghĩa vụ của mình”. Tổ chức “kiểm thảo phải khởi đầu từ cấp trên, dần dần đến cấp dưới. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu thật thà tự phê bình, phải hoan nghênh khuyến khích mọi người phê bình mình, tức là phải thực hiện dân chủ rộng rãi. Từ trên xuống, rồi từ dưới lên. Cán bộ cấp trên phải trực tiếp lãnh đạo từ lúc chuẩn bị cho đến lúc kết thúc cuộc kiểm thảo. Trong kiểm thảo, phải nêu rõ ưu điểm và khuyết điểm, làm cho việc phải trái rõ ràng, làm cho mọi người hiểu rõ và vui vẻ thừa nhận”. Trong  thực thi quyền lực, cán bộ, đảng viên nói chung, người lãnh đạo, quản lý, đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng phải công tâm, kỷ luật, tự giác, thẳng thắn, triệt để trong tự phê bình và phê bình theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Đồng thời, phải hết sức chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; phải coi kiểm tra và giám sát là điểm xuất phát, là khâu trung tâm trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, V.I. Lênin và Hồ Chí Minh cùng cho rằng: “Kiểm tra nhân viên công tác và kiểm tra việc chấp hành thực tế công tác - mấu chốt của toàn bộ công tác, của toàn bộ chính sách hiện nay là ở đấy, vẫn ở đấy và chỉ có ở đấy”, cho nên phải thường xuyên “kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”. Thực tế cho thấy, “kiểm tra không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo, mà phải đi đến tận nơi”… do đó, phải kiểm tra tại cơ sở, phải thông qua công tác kiểm tra để xem "những nghị quyết đó đã thực hành được đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không", để vừa phát huy ưu điểm, phát hiện cái mới, cái tốt hơn nhằm điều chỉnh phương thức lãnh đạo sát hợp hơn; đồng thời, ngăn ngừa, khắc phục những biểu hiện quan liêu, xa dân, không sâu sát thực tiễn trong phong cách công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, của người đúng đầu.
Để công tác kiểm tra và giám sát góp phần làm cho việc kiểm soát quyền lực được thực thi hiệu quả, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Các ủy ban và cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải  trau dồi đạo đức cách mạng. Đặc biệt là phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra”. Trong đó, tự người lãnh đạo phải tiến hành việc kiểm tra; phải tổ chức một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm, giàu năng lực để giúp người lãnh đạo đi kiểm tra; đồng thời người đi kiểm tra phải nâng cao trách nhiệm công tác, “ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm”. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả, góp phần ngăn ngừa những biểu hiện hách dịch, cửa quyền, lạm quyền, lộng quyền, tham nhũng, tiêu cực, v.v.. gây bức xúc trong nhân dân, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên tại các cơ quan công quyền.
Cả V.I.Lênin và Hồ Chí Minh đều khẳng định vai trò quan trọng của nhân dân đối với việc kiểm soát quyền lực trong Đảng. Cụ thể, V.I.Lênin yêu cầu cần phải “không chỉ thường xuyên triệu tập các cuộc họp toàn thể cho quần chúng công nông, mà còn phải thường xuyên tổ chức những cuộc báo cáo công tác của tất cả các cán bộ đảm nhiệm mọi chức vụ trước quần chúng công nông. Những cuộc báo cáo này phải tiến hành ít nhất mỗi tháng một lần để quần chúng công nhân và nông dân ngoài đảng có điều kiện phê bình các cơ quan Xôviết và công tác của các cơ quan đó. Không phải chỉ có các đảng viên cộng sản mà tất cả những người có chức trách ở mọi cương vị quan trọng…, đều phải tiến hành những báo cáo như vậy”. Còn Hồ Chí Minh thì nhấn mạnh, các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cần phải phối hợp, kết hợp trong kiểm tra, giám sát, để thông qua quá trình phối hợp đó “ra sức làm cho mọi người tăng thêm lòng tự tin (tin chắc mình phát triển được ưu điểm, sửa đổi được khuyết điểm) khiến mọi người khoan khoái, vui vẻ, hăng hái, để tiếp tục công tác và tiến bộ mãi”.

2 nhận xét:

  1. Để kiểm soát quyền lực, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát tất cả các hoạt động của cán bộ, nhất là các cán bộ có quyền, chức cao

    Trả lờiXóa