Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

HAI NĂM SAU VỤ BẠO LOẠN Ở BÌNH THUẬN – BÀI HỌC VẪN CÒN ĐÓ

Cách đây 2 năm, ngày 10/6/2018, cả nước như bàng hoàng với những gì diễn ra ở ở Bình Thuận và một số địa phương khác. Sau khi xuất hiện những lời kêu gọi biểu tình phản đối Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng, một số người dân do bị kích động hoặc thiếu hiểu biết đã tham gia tuần hành, tụ tập trái phép ở nhiều nơi, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ngày 10 và 11-6-2018, tại một số tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là ở Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra cảnh nhiều người tụ tập trái phép, biểu tình bày tỏ thái độ không đồng tình với Dự luật đang được Quốc hội xem xét, gây ách tắc giao thông, thậm chí ở nhiều nơi trụ sở chính quyền bị đập phá, để lại hình ảnh xấu về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Điển hình là tối ngày 10-6-2018, hàng trăm người quá khích đã xô cổng, đập vỡ cửa kính vọng gác, tấn công lực lượng bảo vệ và ném bom xăng, đốt một số xe máy, ôtô bên trong trụ sở UBND tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận. Những người này tiếp tục dùng mảnh kính, đá ném làm một số cảnh sát bị thương. Trụ sở của Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng bị đập phá. Đến 22h, hàng trăm người manh động, tháo bảng hiệu, ném bom xăng gây cháy nhiều phòng làm việc, phá hoại tài sản nhà nước tại trụ sở UBND tỉnh. Nhiều người quá khích đã chia thành nhiều tốp đi từ thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong để chặn xe trên đường quốc lộ 1. Nhiều người lấy đá ném vào xe tuần tra của công an, gây hư hỏng nặng. Giao thông trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Thuận bị tê liệt từ 17h ngày 10-6 đến 0h ngày 11-6.
Vụ việc ở Bình Thuận nói riêng và một số địa phương khác nói chung liên quan đến biểu tình phản đối Luật An ninh mạng và Luật Đặc khu kinh tế cho thấy những nguy cơ, thách thức đối với an ninh quốc gia; nhất là những nguy cơ về cuộc cách mạng màu, cách mạng đường phố xảy ra ở Việt Nam và mặt trái của mạng xã hội. Với sự phát triển mạnh mẽ và tốc độ phổ cập Internet ở Việt Nam, số lượng người sử dụng mạng xã hội tăng nhanh chóng; tuy nhiên, ý thức cũng như nhận thức người dùng mạng xã hội ở Việt Nam không cao, dễ bị các thế lực thù địch đưa tin sai trái, lừa bịp. Trong vụ việc ở Bình Thuận, qua quá trình xác minh, lực lượng chức năng xác định nhiều đối tượng không nghề nghiệp, có tiền án, tiền sự được cho tiền để đi gây rối. Số khác như người già, người thiểu năng trí tuệ, thanh niên, sinh viên, học sinh bị xúi giục cũng tham gia biểu tình. Khi đến nơi sự việc xảy ra, do bị ảnh hưởng tâm lý đám đông, họ đã có những hành động quá khích, thậm chí phá hoại tài sản nhà nước, chống đối lực lượng công an.
Bên cạnh đó, vụ việc ở Bình Thuận cho thấy một thực tế rõ ràng rằng, các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu, ý đồ xấu với Việt Nam. Chúng luôn tìm cách lợi dụng, thổi phồng những hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ của chúng ta để lôi kéo, bôi nhọ, nói xấu nhằm mục đích cao nhất là lật đổ chế độ, kích động biểu tình, bạo loạn ở trong nước.
Chính từ những vấn đề trên, đòi hỏi các cấp, chính quyền cần thường xuyên cảnh giác trước âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch, đồng thời, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ mạng xã hội, tránh để các đối tượng lợi dụng vào hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, gây rối trật tự công cộng.

2 nhận xét:

  1. Mỗi người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác và đấu tranh vạch trần bộ mặt thật, loại bỏ những chiêu trò lừa phỉnh của các thế lực thù địch.

    Trả lờiXóa
  2. Mỗi người dân Việt Nam hãy tỉnh táo, cảnh giác, thể hiện lòng yêu nước đúng cách, không để bất cứ kẻ nào lợi dụng để chống phá đất nước

    Trả lờiXóa