Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là cả một quá trình lâu dài, cần phải được thực hiện thông qua nhiều bước hay nhiều giai đoạn. Tuy nhiên ở nước ta, từ trước đến nay những tư tưởng, quan điểm của Đảng về công nghiệp hoá, hiện đại hoá, về cơ bản, mới chỉ mang tính định hướng chung, lộ trình, bước đi của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, những nhiệm vụ trọng tâm của từng giai đoạn chưa được xác định rõ ràng. Vì vậy, tại Đại hội lần này, Đảng ta đã có sự bổ sung về việc phân chia các bước đi của công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đó là: Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước tiến hành qua ba bước: tạo tiền đề, điều kiện để công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; và nâng cao chất lượng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong 5 năm tới, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước,… Đây là sự bổ sung rất cần thiết và có ý nghĩa to lớn trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện đường lối công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta hiện nay.
Trên thế giới cũng đã có sự phân chia các giai đoạn của công nghiệp hoá, hiện đại hoá để làm cơ sở cho việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Giáo sư người Mỹ Hollis Chenary Burnley chia thời kỳ công nghiệp hoá làm 3 giai đoạn, giai đoạn khởi đầu, giai đoạn phát triển và giai đoạn hoàn thiện, không kể một thời đoạn tiền công nghiệp hoá và một thời đoạn hậu công nghiệp hoá.
Sự phân chia này giúp cho chúng ta nhận thức rõ hơn nước ta đang ở giai đoạn nào của quá trình công nghiệp, hiện đại hoá; từ đó xác định mục tiêu, các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, nội dung, biện pháp, phương thức công nghiệp hoá, hiện đại hoá phù hợp, khả thi trong từng giai đoạn.
Đây cũng là cơ sở để hoạch định chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ; giải quyết mối quan hệ giữa công nghiệp hoá và đô thị hoá, giữa phát triển nông nghiệp và công nghiệp; những nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn
Phướng hướng nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn 2016 – 2020: a). Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương và có chính sách phù hợp để xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học – công nghệ và tỉ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm, tập trung vào những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu; b). Phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử, hoá chất, công nghiệp xây dựng, xây lắp, công nghiệp quốc phòng, an ninh. Chú trọng phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và sản xuất vật liệu mới; từng bước phát triển công nghệ sinh học, công nghiệp môi trường và công nghiệp văn hoá; c). Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu; d).Đẩy mạnh phát triển khu vực dịch vụ theo hướng hiện đại, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn các khu vực sản xuất và cao hơn tốc độ tăng GDP. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ cao; e). Phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải (kinh doanh dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển), du lịch biển, đảo. Tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế ven biển; g). Thống nhất quản lý tổng hợp chiến lược, quy hoạch phát triển trên quy mô toàn bộ nền kinh tế, vùng và liên vùng. Phát huy tiềm năng, thế mạnh từng vùng, ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động lực, tạo sức lôi cuốn, lan tỏa phát triển đến các địa phương trong vùng và đến các vùng khác: h). Đổi mới cơ chế, chính sách, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, gồm một số đô thị lớn, nhiều đô thị vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng; chú trọng phát triển đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển. Nâng cao chất lượng, tính đồng bộ và năng lực cạnh tranh của các đô thị; chú trọng phát huy vai trò, giá trị đặc trưng của các đô thị động lực phát triển kinh tế cấp quốc gia và cấp vùng.
 Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để tiếp tục tập trung đầu tư hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại. Ưu tiên và đa dạng hoá hình thức đầu tư cho các lĩnh vực trọng tâm là: hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng điểm, kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn và giữa các trục giao thông đầu mối; hạ tầng ngành điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; hạ tầng thuỷ lợi đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hạ tầng đô thị lớn hiện đại, đồng bộ, từng bước đáp ứng chuẩn mực đô thị xanh của nước công nghiệp./.

2 nhận xét:

  1. Những giải pháp này rất đúng đắn

    Trả lờiXóa
  2. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là cả một quá trình lâu dài, cần phải được thực hiện thông qua nhiều bước hay nhiều giai đoạn.

    Trả lờiXóa