Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

ĐỔI MỚI MỤC TIÊU GIÁO DỤC – KHÂU THEN CHỐT TRONG ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Khâu then chốt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là đổi mới mục tiêu giáo dục. Đại hội XII đã nâng tầm các quan điểm trong Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương Tám khoá XI, về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thành Văn kiện Đại hội Đảng. Trong đó, khẳng định: Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Đây là một bước chuyển đổi căn bản của giáo dục Việt Nam, hướng vào đổi mới mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục. Mục tiêu giáo dục truyền thống chủ yếu là coi trọng trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp. Thực chất giáo dục Việt Nam từ trước đến nay xác định mục tiêu giáo dục chủ yếu vẫn được thực hiện theo cách tiếp cận nội dung. Nghĩa là, giáo dục trang bị cho người học càng nhiều nội dung càng tốt. Điều đó làm cho nội dung dạy học càng ngày càng phình to ra và dẫn đến quá tải trong tất cả các bậc học.
       Đại hội XII của Đảng không chỉ khẳng định tiếp tục thực hiện quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo mà còn chỉ ra nội dung và phương hướng thực hiện quan điểm đó trong tình hình mới. Quan điểm: Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học là quan điểm hoàn toàn mới, có tác dụng định hướng cho sự phát triển của giáo dục và đào tạo trong thế kỷ XXI. Về thực chất, đây là một bước chuyển từ quan điểm tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển trong xác định mục tiêu giáo dục. Mặc dù Văn kiện Đại hội không chỉ ra những phát triển mới của giáo dục về vấn đề này, nhưng với cách tiếp cận mới đã đặt ra hàng loạt mâu thuẫn mới cho giáo dục cần phải giải quyết. Việc chuyển từ mục tiêu trang bị kiến thức là chủ yếu sang mục tiêu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học đã làm nảy sinh những mâu thuẫn mới trong giáo dục. Đó là mâu thuẫn giữa giáo dục truyền thống với giáo dục hiện đại. Mâu thuẫn giữa phát triển năng lực cá nhân với đào tạo tập thể. Mâu thuẫn giữa mục tiêu trang bị kiến thức với mục tiêu phát triển năng lực. Mâu thuẫn giữa phát triển năng lực với phát triển phẩm chất. Mâu thuẫn giữa rèn luyện kỹ năng với phát triển năng lực. Giải quyết các mâu thuẫn đó sẽ tạo ra động lực cho sự phát triển của giáo dục trong bối cảnh mới.
Quan điểm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học được xây dựng dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục con người phát triển toàn diện. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin đã xác định mục tiêu của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa là phát triển toàn diện con người. Bàn về mục tiêu giáo dục con người, C.Mác nói: Phải thay thế người lao động bộ phận tức là kẽ phải chịu nhiều đau khổ làm một chức năng sản xuất bộ phận bằng người lao động phát triển hoàn toàn, tức là sẽ có thể làm được nhiều loại công việc khác nhau và đối với anh ta những chức năng khác nhau do anh ta đảm nhiệm chỉ làm cho những tài năng muôn vẻ vốn có hoặc do rèn luyện mà có được của anh ta, được tự do phát triển mà thôi. Có nghĩa, mục tiêu của nền giáo dục mới là phát triển hoàn toàn những tài năng muôn vẻ vốn có của người học, đảm bảo cho những tài năng đó được tự do phát triển theo nhịp độ riêng của từng cá nhân. Tiếp tục phát triển quan điểm đó, V.I.Lênin chỉ ra rằng, giáo dục con người phát triển toàn diện là cái đích mà chủ nghĩa cộng sản phải đi tới, đang đi tới và nhất định sẽ đi tới.
Mục tiêu phát triển toàn diện năng lực của người học được xác định trong Đại hội XII của Đảng bao gồm  phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có và năng lực do rèn luyện mà có. Bất kỳ cấp học nào, từ mầm non đến đại học, người học đến trường đều mang trong mình những “năng lực sẵn có” với những mức độ khác nhau, hình thức biểu hiện khác nhau. Mục tiêu của giáo dục nhà trường là phát hiện, bồi dưỡng và phát triển thành năng lực và phẩm chất cá nhân của người học. Cốt lõi của phát triển năng lực là phát triển những tố chất và khả năng cá nhân của người học. Phát triển năng lực bao gồm phát triển trí thông minh sáng tạo, phát triển khả năng phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề nhanh và chính xác. Dạy học hiện đại coi trọng mục tiêu rèn luyện phương pháp tư duy sáng tạo cho người học.
Trong dạy học, người ta không trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản cho người học mà chỉ cung cấp một phần thông tin không đầy đủ, thậm chí thông tin nhiễu, không chính xác cho người học, hướng dẫn họ phải xử lý, phải tự mình khám phá tìm kiếm phát hiện ra chân lý. Tức là dạy học hiện đại chuyển từ mục tiêu trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng sang mục tiêu phát triển năng lực cho người học.
Phát triển toàn diện năng lực phải gắn với phát triển toàn diện phẩm chất của người học. Mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất người học hướng vào phát triển hoàn toàn những giá trị cá nhân của người học phù hợp với chuẩn mực giá trị của con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Mục tiêu giáo dục phải chú trọng phát triển toàn diện, hài hoà nhân cách, cả tài và đức, kết hợp dạy chữ với dạy người, coi trọng sự phát triển những giá trị cá nhân của người học.
Phát triển phẩm chất của người học, trước hết phải tác động vào các phẩm chất cá nhân, làm cho các phẩm chất đó phát triển hoàn toàn trong xã hội, phù hợp với chuẩn mực giá trị của xã hội và thời đại. Nền giáo dục hiện đại không mang những giá trị của xã hội áp đặt lên người học mà dẫn dắt người học phát triển những giá trị cá nhân của mình đến với giá trị của xã hội. Giáo dục phát triển phẩm chất cho người học không phải chỉ bằng các phương pháp và hình thức lên lớp lý thuyết mà chủ yếu phải đưa người học tham gia vào các loại hình hoạt động thực tiễn đa dạng và phong phú.
Đại hội XII của Đảng tiếp tục phát triển hoàn thiện quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh mới. Đại hội đã chỉ ra nội dung, phương thức đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và lộ trình thực hiện xây dựng nền giáo dục tiên tiến phù hợp với sự vận động, phát triển của thực tiễn./.

2 nhận xét:

  1. Đổi mới giáo dục là nội dung rất quan trọng

    Trả lờiXóa
  2. Khâu then chốt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là đổi mới mục tiêu giáo dục.

    Trả lờiXóa