Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN VAI TRÒ CỦA KINH TẾ NHÀ NƯỚC

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam có nhiều thành phần kinh tế, chế độ và hình thức sở hữu. Song, sở hữu nhà nước và kinh tế nhà nước, trong đó doanh nghiệp nhà nước là “nòng cốt”, giữ vai trò chủ đạo, là một trong các yếu tố quan trọng bảo đảm cho nền kinh tế thị trường Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này được khẳng định tại khoản 1 Điều 51, Hiến pháp năm 2013 là hoàn toàn phù hợp với lý luận và thực tiễn nước ta.
Theo quan niệm hiện nay, kinh tế nhà nước được cấu thành từ 2 bộ phận: (1) bộ phận doanh nghiệp, gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn và doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần hoặc phần vốn chi phối: (2) bộ phận phi doanh nghiệp (hữu hình và vô hình hay vật chất và phi vật chất), như: các tư liệu sản xuất, kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội; vùng trời, vùng biển, đất đai và tài sản gắn liền với đất, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên internet, phổ tần vô tuyến điện, ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước... Với phạm vi rộng lớn như vậy, kinh tế nhà nước giữ vị trí trọng yếu, vai trò chủ đạo trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo nền tảng cơ bản để phát triển các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp.
Trong cơ cấu kinh tế nhà nước, hệ thống doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò “then chốt”, “nòng cốt”, đang được đổi mới, sắp xếp lại nên số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh, hiện chỉ chiếm 5% tổng số doanh nghiệp, tỷ trọng của doanh nghiệp nhà nước đóng góp vào GDP có xu hướng giảm: năm 2010 chiếm 12,55% GDP, năm 2013 là 10,11% GDP, năm 2016 đạt 10,04% GDP và năm 2018 là 9,98%. Tốc độ tăng GDP của kinh tế nhà nước/doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm: năm 2011 là 2,075%; năm 2013 tăng lên 6,425%; năm 2015 là 5,54% và năm 2017 là 4,22%. Mặc dù vậy, kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chi phối nhiều ngành kinh tế then chốt.
Nhìn nhận một cách khách quan, trong quá trình đổi mới, cùng với những thành tựu chung của nền kinh tế, kinh tế nhà nước/doanh nghiệp nhà nước đã có những thành công đáng kể:
Một là, có bước phát triển về quy mô tài sản, doanh thu, lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước, vốn đầu tư phát triển và năng suất lao động xã hội. Một vài con số minh chứng: năm 2012, nộp ngân sách nhà nước là 142.838 tỷ đồng, tăng lên 171.302 tỷ đồng vào năm 2017; vốn đầu tư phát triển năm 2012 là 406,5 nghìn tỷ đồng, tăng lên 619,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2017; năng suất lao động xã hội tính theo giá thực tế, năm 2012 là 178,2 triệu đồng/người; năm 2017 tăng lên 311,9 triệu đồng/người; đóng góp vào GDP, năm 2012 là 9,95%, năm 2017 là 10,0%...
Hai là, doanh nghiệp nhà nước đã trở thành lực lượng nòng cốt để thực hiện vai trò quan trọng trong ổn định, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu của Đảng, Nhà nước đề ra, góp phần quan trọng trong bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực quốc gia... Hoạt động của doanh nghiệp nhà nước đã góp phần quan trọng cho việc bảo toàn và phát triển các nguồn lực vật chất của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế.
Ba là, kinh tế nhà nước/doanh nghiệp nhà nước là lực lượng chủ yếu hình thành các trung tâm kinh tế, đô thị mới; là lực lượng đầu tư vào những lĩnh vực, các công trình trọng điểm quốc gia, đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi chậm... Đồng thời, kinh tế nhà nước/doanh nghiệp nhà nước là đội quân chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đóng vai trò tích cực trong việc hạn chế những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu trong các năm 2008 - 2010 đến nền kinh tế nước ta. Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động thực sự có hiệu quả, như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam... Theo bảng xếp hạng VNR 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2016, có 5 tập đoàn kinh tế nhà nước được xếp hạng (PVN, Viettel, VNPT, Vinacomin, EVN).
Tuy nhiên, khu vực kinh tế nhà nước/doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi về các nguồn lực (tài nguyên, đất đai và các lợi thế khác, nhất là lợi thế độc quyền trong một số lĩnh vực), nhưng hoạt động kém hiệu quả, kể cả trong lĩnh vực quan trọng, cố nắm giữ những lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể làm tốt; các nỗ lực cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa thành công cả về số lượng và chất lượng; sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước còn yếu, thất thoát và thua lỗ còn lớn. Tình trạng đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, độc quyền doanh nghiệp đang hiện hữu đã làm méo mó quan hệ thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, hạn chế sự cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế, từ đó làm suy yếu vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước...
Cần nhận thức rằng: thời gian qua, doanh nghiệp nhà nước - lực lượng “nòng cốt” của kinh tế nhà nước Việt Nam, mặc dù có những yếu kém, hạn chế, nhưng đó là những yếu kém, hạn chế bắt nguồn từ sự nóng vội, chủ quan, duy ý chí - xây dựng thật nhiều doanh nghiệp nhà nước... để nhanh chóng có chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, một số người đã đồng nhất kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước, coi sự yếu kém của doanh nghiệp nhà nước là sự yếu kém của kinh tế nhà nước. Nguyên nhân của những yếu kém trên là do: việc hình thành hệ thống doanh nghiệp nhà nước, nhất là những át chủ bài (tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước), phần lớn là từ các quyết định hành chính, tức là sử dụng quyền lực nhà nước để thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; từ những yếu kém trong khâu tổ chức, quản lý sản xuất - kinh doanh, những sai lầm, yếu kém của một số cá nhân lãnh đạo và nhà quản trị doanh nghiệp... Đây không phải là sai lầm về quan điểm, chủ trương coi kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, nhìn chung, toàn bộ nền kinh tế, kinh tế nhà nước dựa trên lực lượng sản xuất còn thấp kém, cùng với nền kinh tế thị trường còn rất mới... thì sự yếu kém, hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng là không thể tránh khỏi.
Xét một cách tổng thể, không phải tất cả các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đều hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh những tập đoàn kinh tế thua lỗ, có khá nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn hoạt động thật sự có hiệu quả, như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất... Ngược lại, không phải mọi doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều hoạt động hiệu quả. Chúng ta đã và đang chứng kiến nhiều “đại gia” của kinh tế tư nhân thua lỗ, mất trắng doanh nghiệp, rơi vào vòng lao lý, tù tội. Có thể thấy, hiệu quả sản xuất - kinh doanh không hẳn do hình thức sở hữu quyết định. Trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng không ít doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, yếu kém do yếu tố cạnh tranh, khủng hoảng kinh tế, tài chính... gây ra.

2 nhận xét:

  1. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam có nhiều thành phần kinh tế, chế độ và hình thức sở hữu. Song, sở hữu nhà nước và kinh tế nhà nước, trong đó doanh nghiệp nhà nước là “nòng cốt”, giữ vai trò chủ đạo, là một trong các yếu tố quan trọng bảo đảm cho nền kinh tế thị trường Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

    Trả lờiXóa