Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

NHẬN DIỆN MÔ HÌNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG TỰ DO

KTTT trong khuôn khổ CNTB chủ yếu phát triển theo mô hình thị trường tự do, được thực hiện ở hầu hết các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Mô hình này đề cao vai trò của chế độ sở hữu tư nhân, của tự do cá nhân và cạnh tranh tự do. Trong mô hình KTTT tự do, sự can thiệp điều tiết của nhà nước vào các quá trình kinh tế được hạn chế ở mức thấp. Quá trình phát triển kinh tế chủ yếu do khu vực tư nhân vận hành dưới sự điều tiết của “bàn tay vô hình” (tức cơ chế cạnh tranh tự do). Đây là lý thuyết do nhà kinh tế học Adam Smith đưa ra từ năm 1776. Ông cho rằng, trong nền KTTT tự do, mỗi cá nhân theo đuổi một mối quan tâm và xu hướng lợi ích riêng cho cá nhân mình, và chính các hành động của những cá nhân này lại có xu hướng thúc đẩy nhiều hơn và củng cố lợi ích cho toàn cộng đồng thông qua một "bàn tay vô hình". Ông biện luận rằng, mỗi một cá nhân đều muốn thu lợi lớn nhất cho mình sẽ làm tối đa lợi ích của cả cộng đồng, điều này giống như việc cộng toàn bộ lợi ích của từng cá nhân lại.
Trong KTTT tự do thì chức năng chính của nhà nước là bảo vệ chế độ sở hữu tư nhân và các quyền tự do cá nhân, bảo đảm ổn định vĩ mô, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân và cơ chế thị trường tự do vận hành thuận lợi nhất. Sự tham gia của nhà nước vào quá trình phân phối lại, vào hệ thống phúc lợi xã hội nhằm giảm tình trạng bất bình đẳng, tạo lập công bằng xã hội, ngăn chặn và xử lý các thất bại thị trường tuy vẫn được coi trọng nhưng không nhiều như ở các mô hình khác.
Người cổ vũ nhiệt thành cho quan điểm tự do hóa nền kinh tế một cách tối đa là nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, bà đã đưa ra chủ trương loại bỏ một nhà nước vì phúc lợi xã hội, tức là đưa nền kinh tế vào quỹ đạo của một chủ nghĩa tự do mới và mang màu sắc bảo thủ của thế kỷ 19: Thị trường nhiều hơn, nhà nước ít can thiệp hơn. Hậu quả là mô hình này gây ra những tác động nghiêm trọng như tình trạng bất bình đẳng xã hội và tỷ lệ người nghèo tăng, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục giảm, các thị trường tài chính quốc tế trở nên bất ổn hơn...       
Thả cho thị trường tự do, tự điều tiết, thiếu công cụ điều tiết phù hợp cũng dễ gây ra khủng hoảng kinh tế và khi có khủng hoảng thì rất khó giải quyết. Việc quá đề cao tự do cá nhân trong khi tính tự giác, ý thức của cá nhân chưa tốt sẽ tạo cơ hội cho sự ích kỷ cá nhân, ngăn cản những hành động chung của cộng đồng, nhất là trong những tình huống ngặt nghèo. Ví như dịch Covid-19 đã cho thấy những bất ổn trong cách thức vận hành xã hội phương Tây khi đối phó với dịch bệnh, thảm họa. Các cuộc khủng hoảng kinh tế, sự bất bình đẳng xã hội làm cho những nhà lãnh đạo cổ vũ một cách cực đoan cho KTTT tự do tại Mỹ và châu Âu vỡ mộng. Và hiện nay, các nước đều nhìn nhận ra vai trò thiết yếu của nhà nước trong việc điều hành nền kinh tế.

2 nhận xét:

  1. Việt Nam đã đi rất đúng hường, cho nên đất nước mới phát triển mạnh mẽ như vậy

    Trả lờiXóa
  2. Trong mô hình KTTT tự do, sự can thiệp điều tiết của nhà nước vào các quá trình kinh tế được hạn chế ở mức thấp.

    Trả lờiXóa