Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

V.I.LÊNIN ĐẤU TRANH KHÔNG KHOAN NHƯỢNG VỚI PHÁI DÂN TÚY ĐỂ BẢO VỆ CHỦ NGHĨA MÁC

Nhận thấy tính chất cải lương, không tưởng của phái dân túy, V.I.Lênin đã viết một số tác phẩm để phê phán tư tưởng của phái này, trong đó tiêu biểu nhất là tác phẩm “Những “người bạn dân” là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ xã hội ra sao” (năm 1894). Đây là một tác phẩm có tính chất luận chiến nhằm phê phán các nhà lý luận của phái dân túy tự do. Trên cơ sở đó, V.I.Lênin bảo vệ chủ nghĩa Mác trong điều kiện thực tiễn đã có nhiều thay đổi ở nước Nga những năm cuối thế kỷ XIX.
Theo V.I.Lênin, tư tưởng của phái dân túy có xu hướng chống lại những quan điểm của chủ nghĩa Mác vì phái dân túy dựa trên nền tảng chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Phái dân túy cho rằng chủ nghĩa Mác chỉ là sự sao chép lại “tam đoạn luận” của Hêghen chứ không có gì mới; do đó họ bài xích những nguyên lý cơ bản chủ nghĩa duy vật của C.Mác; xem xét sự phát triển của lịch sử, xã hội loài người chỉ là quy luật tự nhiên đơn thuần. Hơn nữa, phái dân túy cho rằng nông dân là lực lượng trung tâm của cách mạng, do vậy họ chủ trương đi lên chủ nghĩa xã hội từ công xã nông thôn. Những người thuộc phái dân túy tự xưng là “những người bạn dân” khi ủng hộ nông dân, cổ xúy nông dân đứng lên làm cách mạng.
V.I.Lênin đã lên tiếng phê phán tư tưởng của một số thủ lĩnh của phái dân dân túy như Mikhailốpxki, Xtơruvê… khi cố tình xuyên tạc những quan điểm của chủ nghĩa Mác về giai cấp, đấu tranh giai cấp và sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử. V.I.Lênin gọi đó là một sự “cắt xén và bóp méo một cách hết sức kỳ quái” chủ nghĩa Mác. V.I.Lênin chỉ rõ: “Chủ nghĩa dân túy điều hòa, nhu nhược, đa cảm và mơ mộng của những “người bạn dân” sẽ không thể đứng vững lâu được, khi nó bị tấn công từ hai phía: một phía thì bị phái cấp tiến chính trị tấn công vì những “người bạn dân” có thể tin vào bọn quan lại và không hiểu được sự cần thiết tuyệt đối phải có đấu tranh chính trị; phía khác thì bị những người dân chủ - xã hội tấn công vì “những người bạn dân” tuy không có liên quan gì với chủ nghĩa xã hội và hoàn toàn không có một khái niệm nào về nguyên nhân gây ra sự áp bức người lao động và về tính chất cuộc đấu tranh giai cấp đang diễn ra nhưng lại muốn được coi là những người xã hội chủ nghĩa hay gần như vậy”.
Trên cơ sở chỉ rõ những nhận thức lệch lạc của phái dân túy đối với chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin còn lên tiếng khẳng định tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác trên những khía cạnh cơ bản nhất. Trước hết, V.I.Lênin phê phán nhận thức sai lầm của phái dân túy khi đồng nhất phép biện chứng duy vật mácxít với tam đoạn thức của Hêghen. V.I.Lênin khẳng định, bản chất của phép biện chứng duy vật thể hiện ở tính khách quan khi xem xét các sự vật, hiện tượng, không dung hòa với bất kỳ đồ thức luận chủ quan, thuần túy lôgic nào. Hơn nữa, phép biện chứng duy vật mácxít không có tham vọng trở thành một “khoa học phổ quát” theo kiểu lôgic học của Hêghen mà là phương pháp nghiên cứu hiện thực khoa học. V.I.Lênin cũng khẳng định tính chất duy vật triệt để của phép biện chứng mácxít khi nghiên cứu lĩnh vực lịch sử bởi “phép biện chứng mácxít không bảo giờ có tham vọng giải thích tất cả mà chỉ có ý muốn vạch ra một phương pháp (theo lời của C.Mác  trong Tư bản) - “duy nhất khoa học” để giải thích lịch sử”.
V.I.Lênin cũng lên tiếng phê phán quan điểm của phái dân túy khi cho rằng quan điểm về hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác chỉ là chủ nghĩa duy vật kinh tế vì phái dân túy, đại biểu là Mikhailốpxki đã cố tình xuyên tạc, đồng nhất xuất phát điểm của C.Mác khi nghiên cứu về lịch sử xã hội là hoạt động kinh tế, là phương thức sản xuất chứ không phải là lĩnh vực tinh thần, tư tưởng như một số nhà triết học trước kia. Bằng giọng điệu mỉa mai, châm biếm, V.I.Lênin viết: “Trước hết là xuyên tạc Mác, sau đó nói huyên thuyên về những điều tự mình bịa đặt ra, rồi thì dẫn chứng một cách chính xác một số ý kiến, để rồi bây giờ trâng tráo tuyên bố rằng những tư tưởng đó thu hẹp phạm vi hoạt động của chủ nghĩa duy vật kinh tế”.
Trên cơ sở phê phán những quan điểm sai lầm, phiến diện của phái dân túy về lịch sử xã hội, V.I.Lênin đã tiếp tục khẳng định tính đúng đắn trong quan điểm của chủ nghĩa Mác về hình thái kinh tế - xã hội. V.I.Lênin cho rằng: “Việc phân tích những quan hệ xã hội vật chất khiến chúng ta có thể nhận thấy ngay được tính lặp lại và tính hợp quy luật, và có thể đem những chế độ của các nước khác nhau khái quát lại thành một khái niệm cơ bản duy nhất: hình thái xã hội”. Khẳng định này là cơ sở để V.I.Lênin xác định được định hướng chủ đạo của cách mạng Nga, từ đó bác bỏ quan điểm không tưởng của phái dân túy khi cho rằng cách mạng Nga có thể đi theo một con đường riêng rẽ. Có thể coi tác phẩm “Những “người bạn dân” là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ xã hội ra sao” là một tác phẩm luận chiến kiểu mẫu của V.I.Lênin khi kiên định lập trường mácxít, kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác trước những luận điệu xuyên tạc, sai lầm, phiến diện của những phái phi mácxít, trong đó có phái dân túy. Để bảo vệ chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin đã đánh giá công lao to lớn của C.Mác trong việc phát hiện ra những quy luật của lịch sử - một trong hai phát hiện vĩ đại của C.Mác. V.I.Lênin khẳng định: “Nếu Đác-uyn đã đánh đổ hẳn được quan niệm cho rằng những loài động vật và thực vật là không có liên hệ gì với nhau cả, là ngẫu nhiên mà có, là do “Thượng đế tạo ra” và là bất biến, và ông là người đầu tiên đã làm cho sinh vật học có một cơ sở khoa học bằng cách xác định tính biến dị và tính kế thừa của các loài, - thì Mác cũng thế, Mác đã đánh đổ hẳn được quan niệm cho rằng xã hội là một tổ hợp có tính chất máy móc gồm những cá nhân, một tổ hợp mà nhà cầm quyền có thể tùy ý biến đổi theo đủ mọi kiểu, một tổ hợp sinh ra và biến hóa một cách ngẫu nhiên”.
Như vậy, V.I.Lênin không chỉ chỉ ra những sai lầm, phiến diện của chủ nghĩa dân túy mà còn luôn kiên định với chủ nghĩa Mác, bảo vệ chủ nghĩa Mác bằng việc khẳng định những giá trị đúng đắn, khoa học, cách mạng; đồng thời vận dụng sáng tạo những quan điểm đó trong thực tiễn nước Nga những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XIX. Có thể nói, V.I.Lênin là người kế tục xuất sắc sự nghiệp của C.Mác và Ph.Ăngghen, là người đã luôn tích cực đấu tranh chống lại những phe phái phi mácxít để bảo vệ chủ nghĩa Mác bằng mọi cách. Đúng như lời khẳng định: “Cuộc đấu tranh của V.I.Lênin chống lại các trào lưu tư tưởng phản tiến bộ, bảo vệ chủ nghĩa Mác nói chung, triết học Mác nói riêng mãi mãi là những bài học tư tưởng có ý nghĩa lý luận và khoa học đối với chúng ta hiện nay”. Tinh thần đấu tranh không nhượng của V.I.Lênin có ý nghĩa to lớn đối với công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

2 nhận xét:

  1. Trong giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ, Đảng viên phải có nhiệm vụ đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

    Trả lờiXóa
  2. Hiện nay có rất nhiều kẻ phản động vì những đồng tiền dơ bẩn đã xuyên tạc và chống phá đất nước; chúng ta phải vạch trần và đấu tranh loại bỏ thủ đoạn của chúng

    Trả lờiXóa