Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM LÀ NỀN KINH TẾ TIẾP THU TẤT CẢ CÁC THÀNH TỰU CỦA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Ý kiến cho rằng nền KTTT của Việt Nam không tôn trọng và không áp dụng các tính chất, quy luật khách quan của KTTT là ý kiến hoàn toàn sai lầm. Bởi tại Nghị quyết số 11-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khẳng định: “Hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN là quá trình phát triển liên tục; kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển KTTT của nhân loại và kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn đổi mới ở nước ta. Nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của KTTT, thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước trong từng giai đoạn”.
Theo công bố của Chính phủ, vào tháng 2-2020, đã có 71 nước công nhận Việt Nam là một nền KTTT. Đây là minh chứng cho thấy, nền KTTT định hướng XHCN mà Việt Nam đang xây dựng là theo thông lệ quốc tế. Trong các quy luật KTTT mà Việt Nam tiếp thu có các quy luật về cạnh tranh, về lợi nhuận. Để bảo đảm có một môi trường cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng, Trung ương Đảng đã thông qua đồng thời 3 nghị quyết. Đó là, cùng với việc có Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN, Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền KTTT định hướng XHCN, Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. 3 nghị quyết này đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng về việc xây dựng một nền KTTT mang tính cạnh tranh cao, cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích phát triển, được sản xuất, kinh doanh ở tất cả lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Đồng thời, doanh nghiệp nhà nước được định hướng hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Doanh nghiệp nhà nước được xác định “là một lực lượng vật chất quan trọng của KTNN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”.
Chúng ta có thể thấy hiện nay các doanh nghiệp tư nhân phát triển rất nhanh, trở thành các tập đoàn kinh tế có nguồn lực mạnh, như: Vingroup, Sun Group, Vietjet Air, THACO Trường Hải, Hòa Phát, FPT... Nhà nước rất khuyến khích sự phát triển lành mạnh, đúng pháp luật của các doanh nghiệp tư nhân. Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 30-12-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rút ra các bài học để kinh tế Việt Nam phát triển tốt trong thời gian qua, một trong số đó chính là: “Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho KTTN phát triển, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng với KTNN và kinh tế tập thể trở thành lực lượng nòng cốt để nâng cao năng lực nội sinh, tính tự chủ của nền kinh tế và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 8-11-2019 đã nhấn mạnh rằng: “Chúng ta không phân biệt KTTN, mà bình đẳng các thành phần kinh tế trong nền KTTT định hướng XHCN. Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt nghị quyết của Đảng về phát triển KTTN trong thời gian tới”. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhiều lần tổ chức các cuộc gặp đối với các doanh nghiệp tư nhân để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, từ đó áp dụng ngay các chính sách phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của KTTN. Việc không phân biệt KTTN còn thể hiện ở chỗ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có chủ trương tặng thưởng huân chương đối với các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân có nhiều đóng góp tích cực; ví dụ như doanh nhân Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T đã được trao Huân chương Lao động hạng Nhất.
Như vậy, trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn không có sự kỳ thị, ngăn trở KTTN, mà ngược lại Đảng, Nhà nước ta còn đang khuyến khích KTTN phát triển, khuyến khích người dân làm giàu chính đáng, ích nước, lợi nhà. Theo công bố của Tạp chí Forbes ngày 7-4-2020, Việt Nam có 4 tỷ phú lọt vào danh sách các tỷ phú của thế giới, đó là: Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, với tài sản 5,6 tỷ USD, đứng thứ 286 trên bảng xếp hạng; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air, cổ đông sáng lập Sovico Holdings, với tài sản 2,1 tỷ USD; ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO Trường Hải, với tài sản 1,5 tỷ USD và ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, với tài sản 1 tỷ USD. Ngoài những người được vào danh sách tỷ phú của thế giới, các doanh nhân Việt Nam thành đạt, giàu có ngày càng nhiều, đời sống xã hội đi lên. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung năm 2011) nêu rõ 8 đặc trưng, trong đó đặc trưng số 1 của xã hội XHCN là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Như thế, làm sao để “dân giàu” là một trong những mục tiêu hàng đầu của đất nước ta, của việc xây dựng nền KTTT định hướng XHCN.

2 nhận xét:

  1. Bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa như thế nào, chúng ta đều cảm nhận nhận được. Đất nước thay da đổi thịt, phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên từng ngày, con người được phát triển toàn diện.

    Trả lờiXóa
  2. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh là một trong những mục tiêu hàng đầu của đất nước ta, của việc xây dựng nền KTTT định hướng XHCN.

    Trả lờiXóa