Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

NHỮNG LUẬN ĐIỆU VU KHỐNG, BỊA ĐẶT

Thời gian gần đây, trước những vụ việc một số người vi phạm pháp luật, như: “Chống người thi hành công vụ”, “gây rối trật tự công cộng”, “vu khống, bịa đặt”... bị cơ quan chức năng ra lệnh bắt, khởi tố thì các thế lực cơ hội, thù địch lại bịa đặt cho rằng việc khởi tố, bắt tạm giam ấy là những cuộc “trấn áp, bắt bớ” nhằm mục đích “dọn sạch môi trường trước đại hội đảng". Điển hình là vụ công an bắt Trịnh Bá Phương, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư và Nguyễn Thị Tâm. Cả 4 bị can đều bị điều tra về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Vậy những đối tượng bị công an bắt có phải vì mục đích “dọn sạch môi trường” trước đại hội đảng như những thế lực thù địch đã rêu rao không? Còn nhớ, sau khi vụ việc Đồng Tâm xảy ra, luật sư Hoàng Duy Hùng, một luật sư người Mỹ gốc Việt đã nói trên YouTube đại ý rằng: Ở Mỹ, ai mà xâm phạm vào đất đai quốc phòng thì bị bắt ngay lập tức, không như ở Việt Nam, chính quyền phải ra sức tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục... Nhiều khán giả cũng nhớ, một Việt kiều có tên là Phong Nguyễn nói trên kênh “Nửa vòng trái đất TV” sau khi gia đình Phương bị bắt, đại ý: An ninh Việt Nam là an ninh nhân dân, không có gì qua mắt nhân dân được. Khi một số thành viên thuộc gia đình Phương bị bắt có nghĩa là các hành vi của họ đã cấu thành tội phạm. Như vậy là để khẳng định việc Trịnh Bá Phương và một số đối tượng khác bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam là đúng người, đúng tội, không thể là vì “dọn sạch môi trường trước đại hội đảng”.
Cũng luận điệu vu khống, bịa đặt ấy, gần đây lợi dụng báo chí Việt Nam đưa tin Bộ Công an đã vào cuộc điều tra nhiều dự án bất động sản ở tỉnh Bình Dương thì một số đối tượng đã xuyên tạc: “Bộ Công an vào cuộc vì tham nhũng hay... đại hội đảng?”
Chúng tôi cho rằng, những người mượn vụ việc để bịa đặt và hướng dư luận hiểu theo ý đồ xấu độc của họ, họ chắc chắn hiểu rằng việc điều tra chống tham nhũng không phải phát hiện ra là làm ngay được. Để phanh phui ra vụ việc và chỉ đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì cơ quan chức năng và người làm công tác điều tra phải tốn nhiều thời gian và công sức, đây là việc thường gặp đối với các vụ án, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng.
Hiện nay, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đã trở thành sinh hoạt chính trị sâu rộng và thường xuyên trong các cơ sở đảng. Thông qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, soi vào chức trách, trách nhiệm cán bộ, đảng viên đã phát hiện những cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Không ít cán bộ, đảng viên đã bị Đảng xử lý kỷ luật với các hình thức khác nhau...
Vậy mà họ, những thế lực cơ hội, thù địch, những người bất mãn với chế độ... đã bịa đặt ra rằng Đảng đang lợi dụng chống "tự diễn biến", ''tự chuyển hóa” để bắt bớ, trấn áp, khai trừ những đảng viên “không thuộc phe nhóm”, “không nằm trong quy hoạch” của Đảng. Nhóm những người này cho rằng, những đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, bị khai trừ khỏi Đảng vừa qua là những người "cùng chung số phận" với những đảng viên có “suy nghĩ cấp tiến” như Trần Xuân Bách, Nguyễn Hà Phan, Chu Hảo...
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, phần lớn mỗi người đều có một chiếc điện thoại thông minh cầm tay. Và đó cũng chính là phương tiện hữu hiệu nhất mà các thế lực thù địch triệt để lợi dụng. Bởi vậy chúng ta-những người xem, người nghe, người sử dụng điện thoại thông minh, trước hết phải là người sử dụng thông minh. Phải học cách nhận biết được thông tin thật và giả, đúng và sai, hết sức thận trọng, cân nhắc trước khi nhấn nút “like” và “share” đối với các thông tin mà mình cảm thấy chưa tin cậy.

2 nhận xét:

  1. Mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đều có âm mưu xấu xa, thâm độc kèm theo. Vì vậy chúng ta phải cảnh giác và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của bọn chúng.

    Trả lờiXóa
  2. Mọi âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động và các thế lực thù địch nhất định sẽ bị lột trần và thất bại

    Trả lờiXóa