Việt Nam có đường biên giới đất liền dài hơn 5.032 km,
tiếp giáp với ba nước: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân
Lào và Vương quốc Cam-pu-chia; có bờ biển dài hơn 3.260 km, vùng biển rộng hơn
1 triệu km2; với 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 233 huyện, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh, 1.084 xã, phường, thị trấn có biên giới.
Khu vực xã biên giới có khoảng 2,4 triệu hộ dân, với
9,8 triệu người đang sinh sống, địa hình đa dạng, phức tạp, giao thông đi lại
khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội còn kém phát triển, đời sống của đồng bào
các dân tộc còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng bào các dân tộc vùng
biên giới, hải đảo cần cù, chịu khó, đoàn kết, gắn bó, một lòng theo Đảng, theo
Bác Hồ, có nhiều cống hiến, hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc,
thống nhất đất nước, tích cực tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ
thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp
tác và phát triển bền vững.
Lịch sử đã khẳng định dân là chỗ dựa cơ bản, dân là
tai mắt, là lực lượng tại chỗ cùng với các lực lượng đứng chân trên địa bàn tạo
ra thế chiến lược, vừa xây dựng biên giới vững mạnh vừa bảo vệ vững chắc biên
cương của Tổ quốc. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới sẽ không thể
hoàn thành nếu không dựa vào sức mạnh của “thế trận lòng dân”, “nếu biết dựa
vào nhân dân thì việc gì cũng xong”. Những đóng góp của nhân dân các dân tộc ở
biên giới trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước là rất to lớn, nhất
là từ khi có Đảng lãnh đạo đã thể hiện rõ hình ảnh của “biên giới lòng dân” vững
chắc.
Vì vậy, việc xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực
biên giới giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng để phát huy sức mạnh khối
đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với thế trận quân sự, an ninh và đối ngoại tạo
thành thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Nghị quyết Đại hội X của Đảng lần đầu tiên sử dụng cụm
từ “thế trận lòng dân” và xác định: xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng
phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó Quân đội nhân dân và Công
an nhân dân là nòng cốt. Để củng cố và tăng cường hơn nữa “thế trận lòng dân”
đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới. Đại hội XI của Đảng tiếp
tục chỉ rõ: Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận;
xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh; xây dựng “thế trận lòng
dân” vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Đại hội XII của Đảng
tiếp tục nhấn mạnh: Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng
nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của khu vực biên
giới, hải đảo, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ
trương, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, phát triển vùng biên giới còn nhiều khó
khăn, nhờ vậy, tình hình phát triển kinh tế - xã hội biên giới đã có nhiều chuyển
biến tích cực, tăng trưởng kinh tế của các địa phương biên giới đạt tốc độ khá
cao; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư xây dựng;
hoạt động thương mại biên giới tăng trưởng khá; các lĩnh vực giáo dục - đào tạo,
y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện
tốt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện và
nâng cao; mối quan hệ Đảng, chính quyền với nhân dân và lực lượng vũ trang được
tăng cường; chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia được giữ vững, an ninh chính
trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quan hệ đối ngoại được mở rộng. Đó
chính là cơ sở quan trọng để đồng bào đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước, vào công
cuộc đổi mới, tạo nền tảng xây dựng “thế trận lòng dân” trong thế trận biên
phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, trong những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên
phòng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, gắn bó máu thịt
với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững
chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới
là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ biên
phòng đã kiên trì thực hiện “ba bám” - bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương,
chính sách, “bốn cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc. Các
phong trào thi đua yêu nước, các mô hình, chương trình tiêu biểu như: “Bộ đội
Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nâng bước em tới trường”, “Hãy
làm sạch biển”, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”... đem lại kết
quả cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở
cơ sở trong sạch, vững mạnh; phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn biên giới,
thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo,
xây dựng nông thôn mới. Hình ảnh người “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Thầy giáo
quân hàm xanh”, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng quên mình giúp dân trong
phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn đã in đậm trong tâm trí nhân dân cả nước.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, cùng với các lực lượng chức năng, gần 7.000
cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã và đang ngủ lán, căng mình tại hơn 1.600
tổ, chốt biên giới để tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn xuất nhập cảnh
trái phép; nhiều đơn vị đã chủ động nhường nơi ăn, chốn nghỉ, huy động lực lượng
phục vụ, chăm sóc, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho người nhập cảnh thực hiện
cách ly, phòng, chống dịch Covid-19. Những việc làm đó đã góp phần củng cố và
tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang nhân
dân, qua đó góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” đáp ứng yêu cầu sự nghiệp bảo
vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ
quan, nhất là trong xu thế hội nhập đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức đối với
công tác xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới, đó là: khoảng cách
phát triển giữa vùng biên giới với các vùng khác trong cả nước có xu hướng gia
tăng; các thế lực thù địch, phản động không ngừng lôi kéo, kích động, tăng cường
hoạt động chống phá gây mất lòng tin của đồng bào đối với Đảng, chế độ, chia rẽ
khối đại đoàn kết các dân tộc; các hoạt động truyền đạo trái pháp luật, buôn lậu,
gian lận thương mại, tội phạm ma túy, mua bán người qua biên giới... vẫn diễn
biến rất phức tạp. Những thách thức nêu trên nếu không sớm được khắc phục sẽ
làm giảm sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong việc bảo vệ biên cương của Tổ
quốc.
Bài viết rất hữu ích
Trả lờiXóaViệc xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với thế trận quân sự, an ninh và đối ngoại tạo thành thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Trả lờiXóa