“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận
cán bộ, đảng viên là hệ quả của bản lĩnh chính trị không vững vàng và sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây là một thách thức to lớn đối
với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Bản lĩnh của mỗi người thể hiện ở ý chí quyết
tâm phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu đã định; tính
quyết đoán, lòng dũng cảm, kiên cường, tự tin, trung thực, “thấy đúng thì bảo
vệ, thấy sai dám đấu tranh”, v.v. Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng
viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý chủ chốt thì yêu cầu không chỉ có bản
lĩnh, mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đó là sự kiên định,
vững vàng trong nhận thức và hành động, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý
tưởng của Đảng, với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tích cực đấu
tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực thù địch,
không dao động trước sự cám dỗ về vật chất; có trình độ, năng lực tốt; có
tính đảng, tính chiến đấu cao, dám nhìn thẳng vào sự thật, dám thừa nhận
và quyết tâm sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, v.v. Đối lập với người có bản
lĩnh chính trị vững vàng là những người thiếu ý chí quyết tâm, dễ dao động, lùi
bước trước khó khăn, không có chính kiến rõ ràng, thậm chí là suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, phai nhạt niềm tin, lý tưởng,… dẫn đến “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa”.
Bản lĩnh chính trị là nhân tố tổng hợp của lập trường
chính trị, trình độ chính trị, thái độ chính trị, kỹ năng chính trị, dũng khí
chính trị của cán bộ, đảng viên. Nó không phải tự nhiên có được; tố chất của
con người chỉ là điều kiện thuận lợi để xây dựng bản lĩnh, còn bản lĩnh chính
trị chủ yếu do giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện mà nên. Thực tiễn cách mạng
luôn đặt ra yêu cầu cao đối với mỗi cán bộ, đảng viên về bản lĩnh chính trị, nhất
là khi họ giữ cương vị, trọng trách lớn.
Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, mặc dù phải
đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, nhất là trước những thời điểm
cam go, bước ngoặt của cách mạng, nhưng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng luôn
thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên trung, bất khuất, một lòng, một
dạ đi theo Đảng, sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng,
vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhờ vậy, Đảng ta đã trưởng thành vượt
bậc, lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi chông gai, thử thách, giành từ thắng
lợi này đến thắng lợi khác.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ
khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu
to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy vậy, bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn còn tồn
tại. Đặc biệt, trước tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, tình trạng
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng
viên và tệ tham nhũng, lãng phí vẫn chưa bị đẩy lùi, có mặt diễn biến phức tạp.
Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đẩy mạnh hoạt động chống phá bằng chiến
lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ,
với những thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Trước thực tế đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong
đó có cả cán bộ cấp cao đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, ngục ngã trước cám dỗ, “viên đạn bọc
đường”. Thậm chí, một số cán bộ, đảng viên “tự diễn biến” tư tưởng chính trị
và “tự chuyển hóa”, “trở cờ”, thay đổi lập trường, quan điểm chính trị, đi ngược
lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cổ súy, ủng hộ,
tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động, chống phá đất nước. Chỉ tính
từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, gần 100 cán bộ cấp cao
thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy
viên Trung ương,… bị thi hành kỷ luật về đảng, thậm chí bị xử lý hình
sự. Việc xử lý cán bộ vi phạm đảm bảo nghiêm minh, công khai, minh bạch,
“không có vùng cấm”, bất kể người đó là ai, đang công tác hay đã
nghỉ hưu, giữ cương vị gì,... cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng
ta trong việc làm trong sạch đội ngũ, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của
dân tộc.
Căn nguyên, hay nói cách khác nguyên nhân căn bản,
khởi nguồn của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là do bản lĩnh
chính trị của những cán bộ đó không vững vàng; họ không làm chủ được bản
thân trước những cám dỗ về vật chất; không có đủ trình độ, lập trường chính trị
để phân biệt đúng, sai, “miễn dịch” trước những luận điệu, thủ đoạn thâm hiểm của
các thế lực thù địch. Từ chỗ ban đầu là mơ hồ ảo tưởng, hoang mang, dao động về
tư tưởng chính trị, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng dẫn đến hoài nghi, mất
niền tin về sự lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ
nghĩa xã hội, v.v. Các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đó thực chất
là quá trình biến đổi từ bên trong theo chiều hướng từ đúng sang sai, từ tốt
sang xấu, từ tích cực sang tiêu cực. Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm, bởi lẽ:
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là điều kiện, là mảnh đất màu mỡ để các thế lực
thù địch tận dụng, lôi kéo, tiến hành các hoạt động chống phá cách mạng, đe dọa
đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam. Khai mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề “Phải chăng, về tiêu chuẩn
ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện
nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu
độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,…”. Điều đó nói lên ý nghĩa quan trọng của
việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng trong
tình hình hiện nay.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương sáng trong chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật
Trả lờiXóa“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận cán bộ, đảng viên là hệ quả của bản lĩnh chính trị không vững vàng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Trả lờiXóa