Gần 2 tháng nay Trung Quốc cậy mình
lớn mạnh, năm lần bảy lượt ngang nhiên kéo tàu thăm
dò dầu khí vào “vườn nhà” Việt Nam. Giữa thanh thiên bạch nhật vào nhà hàng xóm
xâm phạm như vậy chắc chắn không phải là cuộc “dạo chơi” thông thường. Sống bên
cạnh Trung Quốc suốt mấy nghìn năm nay, Việt Nam thừa hiểu âm mưu “cá lớn nuốt
cá bé” này, thế nhưng đừng nhầm tưởng Việt Nam hiền lành, “dễ chơi” nhé…
Mỗi quốc gia có một chiến lược hành
động và định hướng chính trị ngoại giao khác nhau. Với Philippines, quốc gia
này chọn cách xoa dịu, “làm hòa” với Trung Quốc khi hợp tác khai thác dầu khí
cho dù họ được Tòa trọng tài quốc tế xử thắng đối với vụ kiện Trung Quốc vào
năm 2016. Với Malaysia, Hải quân Hoàng gia nước này đã tiến hành đợt tập trận
quy mô nhằm phô diễn sức mạnh tên lửa của mình gần khu vực đang tranh chấp hàng
hải. Còn với Việt Nam, cũng là đối tượng bị Trung Quốc nhòm ngó nhưng lại không
chọn cách nương theo mà kiên định, mạnh mẽ hơn như lời nhận định của Giáo sư
Panos Mourdoukoutas, trưởng khoa Kinh tế Đại học LIU Post, New York, Mỹ: “Việt
Nam là quốc gia cứng rắn nhất đối với Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ. Họ lên
tiếng phản đối và ngăn chặn nhiều hành động coi thường luật pháp quốc tế của
Trung Quốc trên Biển Đông như xây dựng, bồi đắp các đảo nhân tạo, phong tỏa và
triển khai vũ khí tấn công bao gồm cả tên lửa tại vùng biển này. Đồng thời,
Việt Nam đã huy động lực lượng theo sát hành tung các tàu Trung Quốc trên vùng
biển của mình”.
Từ khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8
xâm phạm chủ quyền Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta đã 5 lần
tuyên bố chính thức khẳng định đây là vụ việc nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc
rút toàn bộ nhóm tàu trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Không chỉ Người phát
ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng, các đồng chí lãnh đạo nhà nước ta cũng đã chính
thức phát biểu trên các diễn đàn trong nước và quốc tế. Tại Hội nghị ngoại
trưởng ASEAN, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã lên án mạnh mẽ, chỉ đích danh tàu
Trung Quốc đã xâm phạm đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hay tại
buổi gặp mặt Thủ tướng Australia Scott Morrison, hội đàm với Thủ tướng Malaysia
Mahathir Mohamad, làm việc với Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc đều lên tiếng đề nghị các nước bày tỏ quan điểm thẳng thắn ủng hộ duy
trì hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng, bảo đảm tự do hàng hải, hàng
không trên Biển Đông với tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, đằng
sau đó Việt Nam còn hạ đặt giàn khoan khai thác “Sao Vàng – Đại Nguyệt” siêu
to, khổng lồ, nặng 14.000 tấn tại khu vực gần Bãi Tư Chính hay mời gọi các nhà
đầu tư Nga, Nhật, Malaysia… hợp tác dầu khí. Và gần đây nhất là Việt Nam ký gia
hạn với Tập đoàn ONGC Videsh Limited (OVL) của Ấn Độ thêm 2 năm nữa về hoạt
động thăm dò dầu khí trong vùng biển Trung Quốc đang ngang ngược đòi tranh
chấp.
Bao năm qua, Việt Nam đã kiên quyết
từ chối chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc. Thái độ của
Việt Nam rất cương quyết trong việc không hợp tác dầu khí với Trung Quốc. Bởi
chúng ta biết rõ đó chỉ là cái bẫy mà gã phương Bắc đưa ra, như ý đồ của họ đã
và đang làm với Philippines. Khác với chiến lược mềm mỏng của Philippines, những
động thái cứng rắn của Việt Nam hiệu quả hơn nhiều. Nếu đường lối chính sách
của Việt Nam trong việc đấu tranh với Trung Quốc bảo vệ chủ quyền biển đảo
không cương quyết, khôn khéo thì chắc hẳn bây giờ Việt Nam đã là Philippines
thứ 2, bị Trung Quốc chiếm đảo Trường Sa như với Scarbororh từ lâu rồi.
Hiện nay, vấn đề biển, đảo đang bị
một số kẻ xấu lợi dụng, gắn với xuyên tạc công tác chuẩn bị Đại hội XIII như:
một số lãnh đạo “Im lặng để đổi lấy vị trí”, “Chia đôi bãi Tư Chính cho Trung
Quốc”, bịa đặt danh sách “Uỷ viên Bộ Chính trị”. Thậm chí các đối tượng còn
tung ra nhiều tin giả như “Exxon Mobill rút khỏi Cá Voi xanh vì sức ép của
Trung Quốc”, “Vụ Tư Chính là bước đầu để hợp thức hóa Mật ước Thành Đô” để kích
động nhân dân bức xúc, xúi giục biểu tình, tẩy chay Trung Quốc… Đó là những
luận điệu xuyên tạc trắng trợn, đổi trắng thay đen những nỗ lực và quan điểm
kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nhà nước ta. Trong mối quan hệ với
Trung Quốc, Việt Nam luôn thể hiện thái độ cứng rắn, kiên quyết chưa bao giờ
thể hiện thái độ “hạ mình”, “e sợ”, “dâng biển cho giặc” như một số người rêu
rao.
Để đối mặt với một Trung Quốc quen
lấy mạnh hiếp yếu, Việt Nam luôn “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng mọi biện
pháp đối với các hoạt động vi phạm chủ quyền trên biển” - như lời của Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc khẳng định. Quan điểm “kiên trì và kiên quyết” đấu tranh không
phải bây giờ mới có mà đó là sự tiếp nối nghệ thuật độc đáo “mưu, kế, thế,
thời”, lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, trường kỳ
kháng chiến của ông cha ta từ xa xưa. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh các cuộc
chiến tranh chống kẻ thù xâm lược của dân tộc ta đều diễn ra hết sức quyết
liệt, bởi kẻ thù là những tên hiếu chiến, “mạnh về gạo, bạo về tiền”. Thế
nhưng, với láng giềng vừa mạnh, vừa cùn, vừa đầy dã tâm chuyên đi bắt nạt kẻ
yếu, coi thường luật pháp quốc tế như Trung Quốc thì không phải cứ gào thét đối
đầu là hay, là dũng cảm. Làm sao để vẫn giữ được chủ quyền mà không gây tổn hại
đến ngoại giao, kinh tế, vị thế đất nước mới khó, chứ “rắn mặt” choảng nhau thì
dễ.
Việc Trung Quốc liên tục phớt lờ phản
ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế khi ba lần đưa tàu khảo sát Hải Dương 8
vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam khiến tình hình căng
thẳng trên Biển Đông ngày một trầm trọng. Tuy nhiên, như lời của Giáo sư Carl
Thayer nói rằng “Trung Quốc đang tìm cách bào mòn quyết tâm của Việt Nam trong
bảo vệ chủ quyền. Nhưng với những tuyên bố và hành động thực tế của Chính phủ
Việt Nam, tôi tin người Trung Quốc không bao giờ bào mòn được quyết tâm đó”.
Gần đây chúng ta nghe nhiều hơn trên
các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình rối ren, tranh chấp trên biển
đảo. Giới trẻ chúng ta đôi khi chỉ biết ngắm nhìn cái đẹp của biển mà lãng quên
đi trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Nhưng không! Tôi
tin rằng thế hệ lớp trẻ chúng tôi, những con người Việt Nam ưa chuộng hòa bình
sẽ biết hóa tình yêu thành sức mạnh, gieo hành động bằng chính phần công sức dù
nhỏ bé của mình, một khi cuộc đấu tranh ấy đến gần hơn, biển đảo cần chúng ta
hơn thì sức mạnh của "một dân tộc gan góc" ắt sẽ làm nên lịch sử.
“Hỡi các anh những linh hồn không
tuổi, hỡi các mẹ các chị các em máu đã thấm vào lòng đất Việt, để ngàn năm còn
mãi tự hào…Xin dâng hương những linh hồn bất tử, như tượng đài sừng sững giữa
phong ba, để đời sau còn nghiêng mình cúi đầu trước những chiến công làm rạng
rỡ Việt Nam”. Tim chúng tôi lại thấy nghẹn ngào khi mỗi lần cất lên bài hát ấy,
thương các anh, các mẹ, các chị đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo quê hương.
Có thể còn những âu lo, còn những khó
khăn, thách thức nhưng tình yêu, niềm tự hào và nỗi lo sẽ hóa sức mạnh khi mỗi
người chúng ta sẵn sàng hành động với những việc làm thiết thực xuất phát từ
tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
đất nước. Tôi, bạn và tất cả chúng ta hãy cùng bắt đầu hành trình vì biển đảo
quê hương ngay từ hôm nay!
Trung Quốc luôn ấp ủ âm mưu độc chiếm biển đông và từng bước đang thực hiện âm mưu đó; điều đó đã bị Việt Nam và các nước lên án mạnh mẽ
Trả lờiXóaBạn nói rất đúng
Xóa