Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

KHÔNG THỂ TUYỆT ĐỐI HÓA VAI TRÒ CỦA KINH TẾ TƯ NHÂN

Thành phần kinh tế tư nhân ở nước ta ra đời trên cơ sở chế độ sở hữu tư nhân hay chế độ tư hữu (sở hữu cá thể, tiểu chủ và sở hữu tư bản tư nhân), bao gồm: kinh tế cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân (nói gọn là tư nhân và cá thể).
Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế, kinh tế tư nhân được thừa nhận, khuyến khích phát triển; coi đó là “vấn đề chiến lược lâu dài” trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đến nay, kinh tế tư nhân đã phát triển và trở thành lực lượng kinh tế lớn mạnh, đóng vai trò là “động lực quan trọng của nền kinh tế”, góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi nói, kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng của nền kinh tế” với hàm ý: việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân khuyến khích các chủ thể kinh tế tư nhân làm giàu hợp pháp và góp phần làm giàu cho xã hội, là cách thức giải phóng sức sản xuất, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Kinh tế tư nhân đã góp phần huy động các nguồn lực (vốn, nhân công, khoa học và công nghệ) vào sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp ngày càng nhiều vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và góp phần đẩy nhanh tiến độ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Sự phát triển của kinh tế tư nhân tạo sức ép thúc đẩy đổi mới doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và đổi mới quản lý nhà nước; tạo ra đội ngũ doanh nhân năng động, có khả năng thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hơn 30 năm qua, diện mạo của khu vực kinh tế tư nhân đã có sự thay đổi rõ rệt. Theo số liệu thống kê, nước ta hiện có khoảng 620 nghìn doanh nghiệp tư nhân, chiếm hơn 90% số doanh nghiệp cả nước và hơn 01 triệu hộ kinh doanh cá thể, tiểu chủ. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao (năm 2017, kinh tế tư nhân tăng 11,72%, kinh tế cá thể tăng 5,1%); đóng góp 39-40% GDP của cả nước, 30% tổng sản lượng công nghiệp; khoảng 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ; giai đoạn 2011 - 2015 đóng góp khoảng 36% tổng vốn đầu tư phát triển. Kinh tế tư nhân là lực lượng chủ yếu tạo việc làm mới, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, không vì thế mà đề cao quá mức, dẫn đến tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân, cho rằng, kinh tế tư nhân là “nền tảng” của nền kinh tế và gán cho nó “vai trò chủ đạo” - vai trò mà bản thân nó không bao giờ đảm nhận được. Bởi vì:
+ Hiện có tới 98% doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân có quy mô vừa và nhỏ, trong đó doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm tới 96%. Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân lớn trong số doanh nghiệp Việt Nam còn rất thấp, nhất là khi so với quy mô của doanh nghiệp tư nhân nước ngoài. Hằng năm, VnReport công bố danh sách top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (tính cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân), số doanh nghiệp tư nhân trong top 500 và top 100 có tăng, nhưng chưa nhiều. Ở Việt Nam, các tập đoàn kinh tế tư nhân đã hình thành và ngày càng mang dáng vóc của một tập đoàn kinh tế, như Vingroup, Hòa Phát, TH TrueMilk, Macsan, SunGroup... nhưng còn ít, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, thương mại, dịch vụ...
+ Sự đóng góp của kinh tế tư nhân lên đến 40% GDP, nhưng chủ yếu của bộ phận cá thể, còn doanh nghiệp tư nhân đóng góp vào GDP với tỷ lệ rất nhỏ. Ví dụ, năm 2010, đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào GDP là 6,90%, bộ phận cá thể là 32,075%; năm 2015 là 7,80% và 31,335%, năm 2016 các con số tương ứng là 7,90% và 31,50%.
+ Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân còn thấp, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chưa cao, nguồn lực tài chính nhỏ và trình độ trang thiết bị kỹ thuật còn thấp.
+ Năng lực quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Đại bộ phận doanh nghiệp tư nhân thực hiện kinh doanh theo “kiểu ngắn hạn”, chưa hoạch định được chiến lược kinh doanh dài hạn... vẫn còn tồn tại “tính tự phát” trong sản xuất - kinh doanh.
+ “Vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân còn khá phổ biến. Tình trạng sản xuất - kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; gian lận thương mại... diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Nhiều doanh nghiệp tư nhân không bảo đảm lợi ích của người lao động, nợ bảo hiểm xã hội, báo cáo tài chính không trung thực, nợ quá hạn ngân hàng, trốn thuế, nợ thuế kéo dài. Xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của tư nhân với cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành “lợi ích nhóm” gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân”.
Từ đó cho thấy, nếu giao “vai trò chủ đạo” nền kinh tế cho kinh tế tư nhân thì chẳng khác gì giao nhiệm vụ “không tưởng”, vượt khỏi khả năng đảm đương của nó. Không nên ảo tưởng rằng, kinh tế tư nhân có thể đóng “vai trò chủ đạo” trong nền kinh tế và cũng không nên buông lỏng để kinh tế tư nhân “tự bơi”, tự phát triển, Nhà nước phải định hướng phát triển và tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để kinh tế tư nhân vươn lên thực sự là “động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Tóm lại, những ý kiến phủ nhận đường lối kinh tế của Đảng và Nhà nước, hạ thấp vai trò của kinh tế nhà nước, đề cao vai trò của kinh tế tư nhân, cổ vũ cho tư nhân hóa nền kinh tế, tiến tới làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế nước ta, là mưu đồ rất nguy hiểm, cần cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” này.

2 nhận xét:

  1. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế, kinh tế tư nhân được thừa nhận, khuyến khích phát triển; coi đó là “vấn đề chiến lược lâu dài” trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

    Trả lờiXóa