Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Những bài học của công xã Pari

Bài học thứ nhất là: “Thực hành chuyên chính vô sản”. Đây là bài học nổi bật nhất của Công xã Pari, công xã đã đem lại một kiểu mẫu nhà nước mới của giai cấp vô sản. Nếu như trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác mới chỉ nói tới tổ chức giai cấp vô sản thành giai cấp thống trị, phải giành lấy chính quyền, giành lấy dân chủ. Sau tổng kết những năm cách mạng 1848-1849, C. Mác cũng chỉ có thêm ý niệm về đập tan bộ máy nhà nước tư sản. Thì đến Công xã Pari, việc sáng tạo ra một hình thức nhà nước sau cuộc cách mạng của giai cấp vô sản, đã cho phép tiến lên một bước mới xa hơn về sự phát triển lý luận của mình. C. Mác đã giải quyết một cách cụ thể về vấn đề thiết lập chuyên chính vô sản – một nền chuyên chính của giai cấp vô sản.
Trong tác phẩm “Nội chiến ở Pháp”, C. Mác đã chỉ rõ Công xã là một nền cộng hòa không những có thể hủy bỏ hình thức quân chủ của sự thống trị giai cấp mà còn hủy bỏ được chính cả sự thống trị giai cấp nữa. C. Mác còn nhấn mạnh “Công xã là hình thức cụ thể của nền cộng hòa đó”    
Bài học thứ hai là: kết hợp giải quyết nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ giai cấp. Thực chất đây là bài học về giương cao hai ngọn cờ dân tộc và giai cấp (ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội), đó cũng là sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Trong những bài học của Công xã Pari, Lênin đã viết: “Trong khi nổi lên chống chế độ cũ, giai cấp vô sản đã đảm nhiệm hai nhiệm vụ: một nhiệm vụ dân tộc và một nhiệm vụ giai cấp – nhiệm vụ giải phóng nước Pháp khỏi nạn xâm lược của Đức và giải phóng công nhân khỏi ách áp bức của tư bản bằng cách thiết lập chủ nghĩa xã hội”  .
Điều đáng chú ý là, hai nhiệm vụ đó hoàn toàn gắn bó chặt chẽ với nhau, đúng như C. Mác đã nói “Pari được vũ trang tức là cách mạng được vũ trang. Pari thắng quân xâm lược Phổ tức là cách mạng Pháp thắng bọn tư bản Pháp và bọn ăn bám quốc gia của chúng”. Với ý nghĩa đó, về sau Lênin đã áp dụng và phát triển thành bài học kinh nghiệm “Biến chiến tranh để quốc gia thành nội chiến cách mạng”, bài học mà giai cấp vô sản Pari – những con người đã xông lên chọc trời xanh và cống hiến cho cách mạng toàn thế giới.
Bài học thứ ba: “Cần có sự lãnh đạo thống nhất của Đảng cách mạng”. Công xã Pari nổ ra tự phát, chưa có sự chuẩn bị một cách đầy đủ, chưa có cương lĩnh, chiến lược, sách lược cách mạng, chưa có mục đích rõ ràng, công việc diễn ra đến đâu thì làm đến đó… chính là do chưa có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo. Khi nói về bài học cần có sự lãnh đạo của Đảng, V.I. Lênin đã viết: “Công xã nảy sinh một cách tự phát, không ai chuẩn bị cho nó một cách có ý thức và có kế hoạch cả”, “không có Đảng công nhân, giai cấp công nhân không được chuẩn bị, chưa được rèn luyện lâu dài và phần rất đông lại không có lấy một ý niệm thật rõ rệt về nhiệm vụ của mình và về những thủ đoạn để thực hiện những nhiệm vụ đó”.
Bài học thứ tư là: Sử dụng bạo lực cách mạng và tư tưởng cách mạng tiến công. Đây là một vấn đề quan trọng về phương pháp cách mạng. Nhìn lại sự nghiệp của Công xã không thể không thấy rằng, Công xã đã dựa vào quần chúng, động viên quần chúng phát huy sức mạnh bạo lực cách mạng để đánh lại bạo lực phản cách mạng. Tuy vậy, Công xã chưa sử dụng triệt để bạo lực cách mạng, đúng như Ph. Ăngghen đã ví: “Nếu Công xã Pari không dùng quyền uy của nhân dân vũ trang để chống lại giai cấp tư sản thì liệu nó có thể đứng vững được quá một ngày không? Trái lại há chúng ta không thể trách Công xã là đã dùng quyền uy đó quá ít hay sao”.
Công xã đã thiếu một tinh thần liên tục tiến công, thậm chí còn để cho tàn quân của Chie rút chạy khỏi Pari, tạo cơ hội cho chúng tập hợp tất cả những lực lượng phản động quay về tấn công lại Pari, tiến công vào Công xã và cuối cùng gây ra tuần lễ đẫm máu từ 22 đến 28-5-1871 – Công xã thất bại. Như vậy, Công xã đã không thực hiện được nhiệm vụ “tước đoạt kẻ đi tước đoạt” như C.Mác nói, ngược lại Công xã còn sa vào mộng tưởng về một công lý tối cao, một nhiệm vụ dân tộc chung chung theo quan niệm của Pruđông. Vì lý do đó, Công xã đã không tiến hành quốc hữu hóa các ngân hàng  - một công cụ quan trọng trong tay bọn tư bản tài chính.
Bài học thứ năm là: “Về sự liên minh công nông”. Đây là vấn đề sống còn, vấn đề chiến lược của cách mạng vô sản. Đáng tiếc là Công xã đã không thực hiện được việc đó. Công xã Pari đã thiếu mất sự phối hợp, sự ủng hộ của công nhân ở các thành phố khác, thiếu mối quan hệ liên minh trên thực tế với giai cấp nông dân. Về vấn đề này, V.I. Lênin nói “Vào năm 1871, trên khắp lục địa châu Âu, bất cứ ở nước nào, giai cấp vô sản cũng không phải là đa số nhân dân. Vì vậy, cách mạng chỉ có thể bao gồm được giai cấp vô sản và nông dân thì mới có thể là cách mạng nhân dân”. Bài học của Công xã về sự liên minh công nông, sau này khi nói thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917, V.I.Lênin đã đưa ra một sự so sánh: Nếu Công xã Pari thất bại vì đã không liên minh được với nông dân, thì ngược lại cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi vì đã thực hiện được sự liên minh đó.

1 nhận xét: