Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐOÀN KẾT TÔN GIÁO

Việt Nam là nước đa tôn giáo, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của nhân dân ta, các thế lực thực dân, đế quốc thường lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng. Âm mưu, thủ đoạn của chúng không chỉ là chia rẽ nhân dân các vùng, miền, giữa thành thị với nông thôn, đồng bào kinh với đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn triệt để thực hiện chính sách chia rẽ đồng bào có tôn giáo với đồng bào không tôn giáo, giữa đồng bào các tôn giáo khác nhau, thậm chí gây chia rẽ đồng bào ngay trong nội bộ một tôn giáo. Vì thế, theo Hồ Chí Minh, đoàn kết tôn giáo góp phần tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước có vai trò đặc biệt quan trọng.
Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết tôn giáo trước hết, phải lấy mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội làm điểm tương đồng, dùng cái tương đồng để khắc phục sự dị biệt. Giải phóng dân tộc ở nước ta là mục tiêu trước nhất, là nền tảng cho sự giải phóng giai cấp, là điều kiện để có độc lập, tự do cho các tôn giáo.
Để đoàn kết tôn giáo thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra nguyên tắc cụ thể trong thực hiện. (1) Lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm mẫu số chung. (2) Không chạm đến đức tin của tôn giáo nói chung và của từng tôn giáo nói riêng. (3) Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. 
Hai là,  khai thác các giá trị nhân bản, đề cao sự tương đồng, tôn trọng sự khác biệt giữa tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản. Hồ Chí Minh nhận thấy trong bản chất tôn giáo và trong cả tư tưởng của những người sáng lập ra nó chẳng có ai là không mong muốn cho cuộc sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn, đạo đức hơn. Xét cho cùng thì tất cả các tôn giáo đều hướng tới những giá trị chung của con người là: Chân - Thiện - Mỹ.
Như vậy, để đoàn kết được đồng bào tôn giáo vào khối đại đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh đã đưa ra mục tiêu, nguyên tắc và phương pháp cơ bản cần thực hiện trong quá trình làm công tác tôn giáo. Nhờ đó, Người đã thành công trong việc đoàn kết đồng bào tôn giáo vào khối đại đoàn kết dân tộc. Tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Hồ Chí Minh còn là cơ sở nền tảng cho các giáo hội đề ra tôn chỉ, mục đích hành đạo theo hướng gắn bó với dân tộc, như: “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” (Phật giáo); “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” (Công giáo); “Sống Phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc và dân tộc” (đạo Tin lành); “Nước vinh đạo sáng” (đạo Cao Đài); “chấn hưng nền đạo gắn bó với dân tộc; phù hợp với chính sách và pháp luật của Nhà nước góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Phật giáo Hòa Hảo), v.v.
Tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng ta kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo với tình hình thực tiễn. Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo nào của nhân dân; đồng thời xác định: “Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo”6. Điều này được thể hiện rõ tại Khoản 1, Điều 14 Hiến pháp năm 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” và tại Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ ngày 01-01-2018.
Có thể nói, không một quốc gia đa tôn giáo nào trên thế giới mà các tôn giáo lại sống bình đẳng như ở Việt Nam, một đất nước không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Đó là sự thật! Tự nó bác bỏ mọi sự xuyên tạc, kích động hòng chia rẽ tôn giáo với chính quyền, chia rẽ những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét