Tây Bắc là vùng miền núi phía Tây của miền Bắc Việt Nam, có chung đường
biên giới với Lào và Trung Quốc, gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện
Biên, Lào Cai, Yên Bái. Nơi đây có địa hình rừng núi hiểm trở. Thời Pháp thuộc
đã lập ra xứ Thái tự trị ở Tây Bắc. Năm 1955, khu tự trị Thái - Mèo được thành
lập, gồm 3 tỉnh Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ; năm 1962 đổi tên thành Khu tự trị
Tây Bắc. Tây Bắc là vùng chiến khu cách mạng, giàu truyền thống yêu nước. Thời
kháng chiến chống Pháp đã diễn ra nhiều trận đánh, chiến dịch quân sự ác liệt,
đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 1975, khu tự trị đã giải thể.
Tây Bắc là địa bàn cư trú lâu đời của hơn 30 tộc người như: Thái, Mường,
Hmông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ-mú, La ha, Xinh-mun, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ,
Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy... Trong đó, người Thái có dân số lớn nhất. Ngoài
ra, còn có một bộ phận người Kinh vốn là con cháu của nghĩa quân Hoàng Công Chất
đã sống lâu đời ở đây và một bộ phận người Hoa, vốn là dòng dõi quân Lưu Vĩnh
Phúc thời nhà Thanh chạy sang.
Tây Bắc là vùng phân bố dân cư tiêu biểu theo độ cao địa hình rất rõ rệt.
Cư dân cổ truyền, những chủ nhân từ xa xưa của Tây Bắc đều làm nông nghiệp với
hai loại hình: ruộng nước ở thung lũng và nương rẫy ở sườn núi.
Ở Tây Bắc, mỗi tộc người đều có nền văn hóa mang bản sắc riêng nhưng nổi bật
là không gian văn hóa Thái với tiếng Thái làm phương tiện giao tiếp trong vùng,
múa xòe, dệt vải, nhà sàn... Người Kháng có tục uống nước bằng mũi (Ta mui), giỏi
làm thuyền độc mộc. Người La Ha được coi là chủ nhân trống đồng ở trong vùng, nổi
tiếng về hội lễ "Mừng mùa măng mọc". Mỗi dân tộc trong vùng đều có một
kho tàng văn hóa dân gian đủ thể loại. Ở một số dân tộc có cả truyện thơ dài
hàng ngàn câu như Tiễn dặn người yêu (Thái),
Tiếng hát làm dâu (Hmông), Vườn hoa núi Cối (Mường) v.v... Người Hmông
nổi tiếng về các điệu múa khèn của nam giới. Người La Ha có điệu múa Tăng bu; người Mường có điệu múa bông...
Các dân tộc Tây Bắc có một hệ nhạc cụ hơi được cả nước biết đến như Pí pặp,
khèn bè Thái, sáo và khèn Hmông, tính tảu Thái, đống ôi Mường, chưn may Khơ-mú,
đàn ba dây Hà Nhì. Việc trang trí trang phục, đồ dùng có nét chung là thích sử
dụng các gam màu nóng với họa tiết, bố cục, phối màu phong phú, thể hiện ở chiếc
khăn piêu Thái, mặt chăn Mường, điểm màn Kháng, bộ nữ phục Hmông, Lô Lô, Dao Đỏ.
Hiện nay, Tây Bắc chiếm gần 1/3 diện tích cả nước với gần 10 triệu dân, là
địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an
ninh; là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên khoáng sản, du lịch,
kinh tế cửa khẩu, thu hút đầu tư, và đang là điểm đầu tư sản xuất, kinh doanh của
nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét