Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

ĐẶC ĐIỂM CỦA VÙNG DÂN TỘC TÂY NGUYÊN Ở VIỆT NAM

Đặc điểm về địa lý và dân số. Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng; diện tích tự nhiên trên 56.000 km2, chiếm 17% tổng diện tích cả nước; địa bàn cư trú của trên 40 dân tộc, trong đó có 12 dân tộc tại chỗ thuộc hai nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme và Nam Đảo. Trước năm 1945, dân số các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên có hơn 300.000 người, sau tăng nhanh do các đợt di cư lớn từ đồng bằng lên, từ phía Bắc vào. Các dân tộc tại chỗ Tây Nguyên thường sống khá tập trung, khu vực cư trú được phân chia khá rõ. Đa số người Gia-rai sống ở Gia Lai (trên 90%); người Ê-đê tập trung ở Đắc Lắc; người Mnông ở Đắc Nông; người Mạ, Chu-ru ở Lâm Đồng; người Giẻ - Triêng ở Kon Tum. Hiện nay, dân tộc Kinh chiếm 70% dân số Tây Nguyên, dân tộc thiểu số chiếm 30%. Các dân tộc cơ bản có quan hệ đoàn kết, bình đẳng, tương trợ lẫn nhau.
Đặc điểm về lịch sử - chính trị. Trước đây, vùng Tây Nguyên thường có nhiều biến động trong nhiều thế kỷ do xung đột giữa các bộ tộc, tập đoàn phong kiến của người Việt, Chăm, Lào, Xiêm. Sau này, Tây Nguyên chịu hậu quả nặng nề bởi chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chính sách cai trị, sự đồng hóa các dân tộc ở Tây Nguyên của các triều đại phong kiến, thế lực thực dân, đế quốc và tay sai để lại những hậu quả chính trị - xã hội khá nặng nề. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, các dân tộc Tây Nguyên luôn một lòng đi theo Đảng. Hiện nay, các dân tộc ở Tây Nguyên cùng đoàn kết tương trợ dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc. Song gần đây, việc di dân tự do, tình hình tôn giáo, dân tộc ở Tây Nguyên có một số diễn biến phức tạp.
Đặc điểm về kinh tế. Trình độ phát triển kinh tế các dân tộc thiểu số Tây Nguyên còn thấp, không đồng đều; kinh tế hàng hóa chưa phát triển rộng khắp. Đồng bào sống chủ yếu bằng nông nghiệp nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Một bộ phận nhân dân đã canh tác thuần thục cây công nghiệp (cà phê, cao su, hồ tiêu). Hiện nay, đời sống của đồng bào đã được cải thiện cả về vật chất, tinh thần. Song một bộ phận đời sống còn nhiều khó khăn, chênh lệch giàu nghèo giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số còn lớn.
Về văn hóa - xã hội. Tổ chức xã hội các dân tộc thiểu số Tây Nguyên mang nhiều tàn tích của xã hội sơ khai. Buôn làng là cơ sở xã hội phổ biến. Thiết chế xã hội cơ bản vẫn dựa trên luật tục, lễ thức truyền thống. Một số dân tộc như Gia-rai, Ê-đê, Mnông, Xơ-đăng, Giẻ-Triêng còn duy trì chế độ mẫu hệ; vai trò của già làng, trưởng buôn, trưởng dòng họ có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng. Văn hóa các dân tộc Tây Nguyên đang được nhà nước quan tâm bảo tồn, vẫn giữ được những nét độc đáo. Nền văn nghệ dân gian truyền miệng phong phú, tiêu biểu là trường ca Đam San; dàn công chiêng, đàn đá, các điệu múa dân gian.
Đặc điểm về tôn giáo, tín ngưỡng và lễ hội. Đồng bào thiểu số Tây Nguyên có tín ngưỡng truyền thống với quan niệm vạn vật hữu linh và một số hình thái tôn giáo khác. Lễ tục tâm linh tiêu biểu là: Lễ bỏ mả, lễ tục đâm trâu mừng hội mùa, mừng chiến thắng... Trong quá trình thống trị Tây Nguyên, bọn thực dân, đế quốc đã đưa Công giáo vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vấn đề tôn giáo nổi cộm hiện nay là hoạt động của Tin Lành Đê Ga - tổ chức chính trị phản động của một số đối tượng FULRO cũ, được Mỹ nuôi dưỡng, chỉ đạo để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định ở Tây Nguyên.
Hiện nay, dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế - xã hội, ở Tây Nguyên vẫn còn nổi lên một số vấn đề cần giải quyết: sự gia tăng dân số nhanh, sự phân hóa giàu nghèo, tàn phá tài nguyên thiên nhiên; sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; chưa có chính sách tổng thể nhằm giải quyết toàn diện vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét