Xuyên suốt chiều dài lịch sử,
quan hệ tộc người chủ đạo ở nước ta là cố kết, hòa hợp, giúp nhau cùng phát triển.
Các tộc người không phân biệt ở miền núi hay miền xuôi, đa số hay thiểu số
đã gắn bó lâu dài, đồng cam cộng khổ lao động sản xuất và chiến đấu dựng xây và
bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Trong lịch sử dân tộc không có các cuộc chiến tranh sắc
tộc, tôn giáo đẫm máu như nhiều quốc gia trên thế giới. Trái lại, trước những
biến cố to lớn của lịch sử như họa xâm lăng, thiên tai khắc nghiệt thì tinh thần
yêu nước, đoàn kết đó lại càng được phát huy cao độ. Dưới chế độ xã hội chủ
nghĩa, truyền thống và sức mạnh đoàn kết dân tộc ngày càng được phát huy, góp
phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc.
Trong công cuộc đổi mới, truyền thống đoàn kết, tôn trọng, hợp tác và hòa hợp
giữa các tộc người được nâng lên tầm cao mới. Nhà nước đảm bảo lợi ích và sự
phát triển của mỗi tộc người, đồng thời mỗi tộc người là thành viên trong đại
gia đình Việt Nam, phấn đấu cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Hòa hợp giữa
các tộc người ngày càng được tăng cường thông qua sự gia tăng các mối quan hệ
kinh tế, trao đổi hôn nhân, giao lưu văn hóa, ngôn ngữ.
Tộc người Việt đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng đoàn kết dân tộc, phát
triển kinh tế - xã hội, nhất là trong truyền bá khoa học - công nghệ, thương mại,
dịch vụ ở vùng tộc người thiểu số. Các tộc người thiểu số tăng cường giao lưu,
gia tăng hôn nhân hỗn hợp dân tộc.
Cố kết nội bộ tộc người trong nước và với đồng tộc ở nước ngoài ngày càng
được mở rộng. Các tộc người tăng cường liên kết hợp tác trong làm ăn, buôn bán,
trao đổi hôn nhân, sử dụng tiếng mẹ đẻ, có ý thức cao trong giữ gìn văn hóa, lợi
ích truyền thống của tộc người mình cả ở phạm vi trong nước và giao lưu với đồng
tộc ngoài nước.
Tuy nhiên, quan hệ dân tộc nước
ta còn nảy sinh những vấn đề phức tạp.
Đó là vấn đề chênh lệch trình độ
phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các tộc người; tình trạng di dân tự
do, tranh chấp về lợi ích giữa các tộc người; vấn đề phức tạp mới nảy sinh
trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; sự phát triển không bình thường của
các tôn giáo; thực trạng nguồn nhân lực chất lượng thấp ở các dân tộc thiểu số;
các tệ nạn xã hội, ma túy gia tăng; việc vi phạm quyền lợi, bản sắc văn hóa,
phong tục tập quán của các tộc người thiểu số có thể gây nên những hậu quả tiêu
cực.
Các thế lực thù địch tiếp tục triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá
cách mạng Việt Nam, tạo ra các “điểm nóng” về dân tộc, ảnh hưởng không nhỏ đến
phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét