Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

Nội dung chủ yếu của quan hệ dân tộc ở Việt Nam hiện nay

Nội dung chủ yếu của quan hệ dân tộc ở nước ta có các vấn đề sau:
Quan hệ lãnh thổ. Các tộc người cư trú xen kẽ, không có lãnh thổ riêng. Các dân tộc thiểu số chủ yếu cư trú trên các vùng rừng núi, biên giới, có vị trí quan trọng về nhiều mặt. Đặc điểm này tạo ra khuynh hướng chủ đạo, xuyên suốt là: đoàn kết - đùm bọc - che chở. Hiện nay, còn những vấn đề đặt ra cần giải quyết liên quan đến lĩnh vực quan hệ lãnh thổ là: di dân, giao đất, giao rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, xâm canh, tranh chấp đất đai…
Quan hệ chính trị. Các tộc người ở Việt Nam đều bình đẳng về chính trị, có quyền làm chủ đất nước, quyền tham gia vào đời sống chính trị trong một quốc gia đa dân tộc. Đồng bào các tộc người, không phân biệt đa số hay thiểu số đều có quyền lợi và nghĩa vụ tham gia xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ các tộc người, chống phân biệt đối xử.
Quan hệ kinh tế. Các tộc người đều có và được tạo cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao đời sống. Đảng và Nhà nước nhất quán chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng tộc người thiểu số nhằm tạo điều kiện để các tộc người thiểu số phát huy tiềm năng, nguồn lực của mình, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các tộc người. Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc miền núi; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, xóa đói giảm nghèo; khai thác tiềm năng thế mạnh, bảo vệ môi trường.
Quan hệ ngôn ngữ. Tiếng Việt là quốc ngữ, phương tiện giao tiếp của tất cả các dân tộc. Tiếng mẹ đẻ của các dân tộc được tôn trọng, khuyến khích phát triển. Các tộc người được tự do sử dụng song ngữ hay đa ngữ. Ngôn ngữ các tộc người thiểu số có sự giao lưu, tiếp thu ngôn ngữ các tộc người trong vùng và tiếng Việt, có sự vay mượn lẫn nhau.
Quan hệ văn hóa. Các tộc người ở Việt Nam có quan hệ văn hóa lâu đời. Sự phát triển văn hóa nói chung và giao lưu văn hóa giữa các tộc người thường xảy ra quá trình đồng hóa tự nhiên, tiếp biến văn hóa lẫn nhau giữa các tộc người, góp phần bồi đắp nên truyền thống văn hóa đa dạng mà thống nhất.
Từ các mối quan hệ cơ bản tộc người, nội dung quan hệ tộc người đã hình thành nên ý thức tộc người ở mỗi tộc người và ý thức quốc gia dân tộc của tất cả các dân tộc ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét