Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

NHẬN DIỆN CHỦ NGHĨA DÂN TÚY

Chủ nghĩa “dân túy” là một trào lưu xã hội chủ nghĩa không tưởng tiểu tư sản ở Nga. Nó chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội dựa vào nông dân và công xã nông thôn. Phủ nhận sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga, phủ nhận vai trò cách mạng và lãnh đạo của giai cấp vô sản. Lúc này, chủ nghĩa “dân túy” lại khẳng định chủ nghĩa tư bản có thể đi vào “đời sống nhân dân” mà không làm cho nông thôn phá sản, “không bóc lột” nông dân lao động. Chủ nghĩa “dân túy” đưa ra những chương trình cải cách nhỏ không hề đụng đến kinh tế phú nông, coi mâu thuẫn giai cấp ở nông thôn chỉ là một “tật xấu” tầm thường, mà một nhà nước “thường dân” có thể dễ dàng khắc phục. Thực chất đó là thái độ thỏa hiệp với Nga Hoàng, là từ bỏ cuộc đấu tranh chống chế độ Nga Hoàng, hy vọng vào chính phủ Nga Hoàng đứng trên các giai cấp có khả năng giúp đỡ nhân dân cải thiện đời sống của họ.
Chủ nghĩa “dân túy” đang cản trở việc truyền bá chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân Nga. Bởi vậy, muốn đem chủ nghĩa Mác kết hợp với phong trào công nhân Nga, muốn thành lập chính Đảng mácxít cách mạng Nga, nhất thiết phải đập tan ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy trong phong trào cách mạng Nga nói chung và trong phong trào công nhân Nga nói riêng.
Plêkhanốp và nhóm “giải phóng lao động Nga” đã làm việc đó nhưng chỉ có cuộc đấu tranh của Lênin mới đập tan được chủ nghĩa “dân túy”. Các tác phẩm “Những người bạn dân…” (1894), “Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga” (1899), và bài “Gửi nông dân nghèo” (1903) đã liên tiếp đập những đòn chí tử vào chủ nghĩa “dân túy”.
Phái “Mác xít hợp pháp” là nhóm trí thức tư sản tự do, núp dưới chiêu bài chủ nghĩa Mác, đưa ra những quan điểm chính trị trên sách báo được Nga Hoàng cho phép xuất bản. Phái này đã phê phán chủ nghĩa “dân túy” là kẻ bảo vệ nền sản xuất nhỏ, nhưng lại tán dương chủ nghĩa tư bản, tìm cách làm cho chủ nghĩa Mác và phong trào công nhân thích nghi với chủ nghĩa tư bản.
V.I.Lênin tạm thời bắt tay với phái này để cùng chống “dân túy”, nhưng về nguyên tắc vẫn kịch liệt phê phán phái “Mác xít hợp pháp” là cắt xén chủ nghĩa Mác, mưu toan làm cho Mác thích nghi với chủ nghĩa tư bản, là xét lại chủ nghĩa Mác về cách mạng xã hội chủ nghĩa, về chuyên chính vô sản.
V.I.Lênin gọi phái “dân túy” là kẻ thù công khai và phái “Mác xít hợp pháp” là kẻ thủ giấu mặt của phong trào cách mạng Nga. Về sau, phái “Mác xít hợp pháp” chuyển thành đảng của giai cấp tư sản tự do, hoàn toàn chống lại chủ nghĩa Mác.
Phái “kinh tế” là trào lưu cơ hội trong phong trào công nhân Nga, có cơ quan ngôn luận riêng là tạp chí “Sự nghiệp công nhân”. Đó là mối nguy cơ đặc biệt đối với cách mạng Nga. Quan điểm cơ bản của phái “kinh tế” được tuyên bố công khai trắng trợn như sau: đấu tranh cho địa vị và quyền lợi kinh tế, đấu tranh chống chế độ tư bản trên cơ sở những lợi ích hàng ngày, và bãi công là phương tiện của cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân. Còn đấu tranh chính trị là công việc của giai cấp tư sản tự do.
Thực chất đó là phủ nhận vai trò chính trị độc lập của giai cấp vô sản, phủ nhận việc phải có chính đảng độc lập của giai cấp vô sản, biến giai cấp vô sản phụ thuộc về chính trị vào giai cấp tư sản tự do. Về tổ chức đó là quan điểm bè phái, chia rẽ. Vì vậy, phái “kinh tế” ở Nga chỉ là một biến tướng của chủ nghĩa cơ hội trong Quốc tế II từ sau khi Ph.Ăngghen mất năm 1895.
V.I.Lênin đã đập tan quan điểm của phái “kinh tế”: chính trị là công việc của giai cấp tư sản; đảng không nên là lực lượng lãnh đạo và can thiệp vào tính tự phát của phong trào công nhân mà phải chờ đợi phong trào công nhân tự phát, vì phong trào tự phát tất yếu cũng sẽ tạo nên sự giác ngộ xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân. Chính tác phẩm “Làm gì”, Lênin đã nêu rõ: Đảng mácxít là sự kết hợp phong trào công nhân với chủ nghĩa Mác; nêu rõ tầm quan trọng của lý luận với phong trào tự phát của công nhân và đối với mọi hoạt động của Đảng. Đảng là lãnh tụ chính trị của giai cấp công nhân, là người lãnh đạo phong trào tự phát của công nhân. Qua đó, Lênin cũng vạch trần nguồn gốc của chủ nghĩa cơ hội.
Tóm lại, tất cả các phái “dân túy”, “mác xít hợp nhất”, “kinh tế” về lý luận thì phủ nhận đấu tranh giai cấp, sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản; về chính trị thì hạ thấp đấu tranh chính trị mà đề cao đấu tranh kinh tế, chỉ thấy lợi ích trước mắt không thấy lợi ích lâu dài, phủ nhận cách mạng bạo lực, đề cao đấu tranh “hợp pháp”, “hòa bình”; về tổ chức thì sùng bái tính tự phát, tính tản mạn tự do tiểu tư sản, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét