Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

Những vấn đề dân tộc mới nảy sinh ở Việt Nam hiện nay

Vấn đề dân tộc là những việc cần phải giải quyết trong quan hệ giữa các tộc người ở một quốc gia và giữa các quốc gia dân tộc với nhau trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… nhằm thực hiện mục tiêu các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.
Hiện nay, ở nước ta xuất hiện những vấn đề dân tộc mới, đó là:
Vấn đề đói nghèo và chênh lệch giàu nghèo giữa miền núi và miền xuôi, giữa các dân tộc thiểu số. Công tác giảm nghèo của nước ta đạt được thành tựu quan trọng, song người nghèo chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch thu nhập, mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng so với mức bình quân của cả nước. Mặc dù chiếm 14% số dân nhưng hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chiếm tỷ lệ lớn trong tổng hộ nghèo của cả nước, cao gấp 3,44 lần so với tỷ lệ nghèo chung và gấp gần 6 lần tỷ lệ nghèo của dân tộc Kinh. Thu nhập bình quân/người ở các xã đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 thu nhập bình quân/người của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo bình quân ở các xã đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu sổ sinh sống là trên 45%.  Điều đó ảnh hưởng đến quan hệ giữa các dân tộc, tiềm ẩn những bất ổn định xã hội, quốc phòng, an ninh.
Vấn đề thiếu đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, còn 326.909 hộ đồng bào thiếu đất, trong đó số cần hỗ trợ đất sản xuất là 293.934 hộ, số thiếu đất ở là 32.9745 hộ; cứ 5 hộ thì có 1 hộ thiếu hoặc không có đất sản xuất. Thiếu đất đã và đang là một trong các vấn đề bức xúc nhất ở vùng dân tộc thiểu số; là nguồn gốc tạo ra khoảng cách thu nhập, phân hóa giàu nghèo giữa các dân tộc, gia tăng mâu thuẫn giữa các dân tộc.
Tình trạng mai một văn hóa truyền thống. Trang phục truyền thống, nhà sàn, nhà dài, nhiều giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc, tiêu biểu như sử thi, âm nhạc cồng chiêng, lễ bỏ mả, dân ca, dân vũ của các dân tộc... đang mai một. Ngôn ngữ của một số dân tộc ít người, nhất là 5 dân tộc dưới 1.000 người (Pu Péo, La Ha, Ơ-đu, Brâu, Rơ-măm) đang mất dần.
Chất lượng nguồn nhân lực các dân thiểu số rất thấp so với cả nước. Tỷ lệ người lao động dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo chiếm tới 98,9 %. Đến năm 2013 còn có 5 dân tộc chưa có người học đại học là Brâu, La Hủ, Lự, Ơ-đu, Si La; hơn 30 dân tộc chưa có người được đào tạo ở trình độ sau đại học[4]. Đây là “điểm nghẽn” lớn nhất đối với đồng bào, nhất là với thanh niên dân tộc.
Tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị thấp, cơ cấu chưa hợp lý, chất lượng yếu đang là vấn đề bất cập lớn. Còn một số dân tộc chưa có đại biểu trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Tỷ lệ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số trong bộ máy chính quyền chỉ khoảng 4%, trong khi tỷ lệ dân tộc thiểu số trong cả nước là 14%. Tỷ lệ đảng viên dân tộc thiểu số Đắk Nông chỉ có 4,4%, Gia Lai: 7,3%, Lâm Đồng: 9,8%.
Thành phần dân tộc, nhóm dân tộc và tên gọi dân tộc cần tiếp tục được nghiên cứu, chuẩn định. Gần đây, có hơn 20 nhóm dân tộc ở nhiều địa phương, đại diện một số dân tộc thiểu số đề nghị Nhà nước xác định lại thành phần, tên gọi dân tộc. Đây là một vấn đề mới, phức tạp đặt ra, cần nghiên cứu, điều tra, phân tích thấu đáo để góp phần ổn định chính trị - xã hội vùng dân tộc; là căn cứ quan trọng thực hiện chính sách bình đẳng dân tộc.
Các tệ nạn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số gia tăng, gây những hậu quả xấu đến quan hệ cộng đồng địa phương, làng bản và gia đình. Hiện vùng Tây Bắc có số người nghiện ma túy cao gấp 10 lần so với cả nước. Trong 10 tỉnh có tỷ lệ nhiễm HIV/100.000 dân cao nhất năm 2012, có 7 tỉnh thuộc miền núi phía Bắc. Tệ nạn ma túy và HIV đã làm xáo trộn lớn các mối quan hệ gia đình, xã hội vùng dân tộc thiểu số, làm cho tỷ lệ ly hôn, bạo lực gia đình gia tăng.
Thách thức từ hội nhập quốc tế. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế tạo sợi dây kết nối quan hệ đồng tộc giữa đồng bào các dân tộc trong và ngoài nước được thuận lợi, dễ dàng hơn; đồng thời, nó tạo điều kiện để các thế lực thù địch sẵn sàng tạo cớ, can thiệp vào công việc nội bộ tộc người và quốc gia, hòng gây bất ổn, chia cắt toàn vẹn lãnh thổ và chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét