Quân đội
tư sản, bất chấp thành phần xã hội như thế nào, đều là công cụ để duy trì quyền
lực chính trị và kinh tế của giai cấp tư sản, là công cụ đàn áp nhân dân lao
động trong nước và nhân dân các nước khác. Bảo vệ thể chế chính trị tư sản và
chế độ tư bản chủ nghĩa là biểu hiện rõ nhất, sâu sắc nhất về bản chất chính
trị của quân đội tư sản với tính chất là công cụ bạo lực vũ trang của giai cấp
tư sản và nhà nước tư bản. Để thực hiện mục đích ấy, giai cấp tư sản đã không
tiếc tiền, của để giáo dục, huấn luyện binh lính theo hệ tư tưởng chính trị của
giai cấp tư sản. Quân đội của nhà nước tư bản có một hệ thống đài phát thanh,
truyền hình, một số lượng lớn sách báo được xuất bản nhằm ca tụng chủ nghĩa tư
bản; bôi nhọ, xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin
và chủ nghĩa xã hội hiện thực. Quân đội Mỹ duy trì cả một bộ máy tuyên truyền
to lớn gọi là “cơ quan thông tin và giáo dục quân đội” để tiến hành công tác tư
tưởng; trong các quân chủng đều có cơ quan thông tin. Ngoài việc lãnh đạo công
tác tuyên truyền, cổ động, cơ quan này còn chuẩn bị và xuất bản những sách giáo
khoa về tư tưởng, những tài liệu phát thanh, báo chí, phát hành những phim ảnh
ca tụng chủ nghĩa tư bản. Quân đội Đức còn thành lập các nhà trường đào tạo
những sĩ quan, hạ sĩ quan làm công tác tuyên truyền, giáo dục binh sĩ theo tư
tưởng, chuẩn mực của nhà nước tư bản. Ngày 30-7-2018, Tổng thống Nga V. Putin
đã ký sắc lệnh thành lập Tổng cục Chính trị quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Nga với
chức năng, nhiệm vụ là tham mưu cho Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây
dựng Quân đội Liên bang Nga về chính trị; chống lại các hành động phá hoại về
tư tưởng, chính trị của các thế lực thù địch. Điều đó cho thấy quan điểm xây
dựng quân đội về chính trị, tư tưởng, xây dựng mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho
quân nhân được coi trọng trong xây dựng của mọi quân đội.
Luận
điệu quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị, chỉ có nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc
còn do sự nhận thức lệch lạc của một số người không hiểu tường tận về cấu trúc
thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng của các nước tư bản. Trong các nước có chế
độ đa đảng, các đảng phái luôn yêu cầu quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị
nhằm bảo đảm cho lượng vũ trang không nghiêng hẳn về một đảng phái chính trị
nào, khi các đảng phái đó chưa giành được quyền lực nhà nước. Khi đã giành được
quyền lực nhà nước, thì đương nhiên các đảng phái đó lại nắm quyền lãnh đạo
quân đội, yêu cầu quân đội phải trung thành với tổng thống, thủ tướng, hoặc có
thực quyền chi phối đảng cầm quyền. Trung thành với nhà nước, tổng thống, chính
phủ, về thực chất là trung thành với đảng cầm quyền; bảo vệ nhà nước, bảo vệ tổ
quốc cũng chính là bảo vệ đảng, chế độ chính trị của quốc gia đó. Do vậy, dù
hiến định hay không hiến định trong hiến pháp, không có nghĩa quân đội của các
nước đó trung lập, đứng ngoài chính trị như một số người lầm tưởng.
Quân
đội nhân dân Việt Nam có mục tiêu cùng toàn Đảng, toàn dân giành độc lập dân
tộc, đưa dân tộc ta thoát khỏi ách nô lệ và lệ thuộc vào ngoại bang. Dưới sự
lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, Quân đội ta là lực lượng nòng cốt đã đánh thắng hai
đế quốc sừng sỏ, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên cả nước độc lập, thống
nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Thử hỏi, nếu không có Đảng Cộng sản Việt
Nam, không có Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập,
giáo dục và rèn luyện thì tương lai dân tộc đi về đâu? Thiết nghĩ, đây là một
câu hỏi rất dễ trả lời, một sự thật hiển nhiên. Thế nhưng, nhiều người vẫn cố
tình không hiểu. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần nhận được câu
hỏi của các tướng lĩnh và giới nghiên cứu quân sự thế giới rằng, vì sao Quân
đội nhân dân Việt Nam, từ không một tấc sắt trong tay, lại đánh thắng hai đế
quốc to trong những cuộc chiến tranh không cân sức? Đại tướng đã khẳng định: Sẽ
không tìm được câu trả lời cho câu hỏi này, nếu không nhìn vào chiều dày lịch
sử dân tộc và đường lối cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam. Nghĩa là không thể hiểu được bản chất, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu
của Quân đội nhân dân Việt Nam và cả sự sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì độc
lập dân tộc, nếu không đặt trong mối quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam. V.I.
Lênin đã từng nhắc nhở chúng ta rằng: giai cấp vô sản muốn là giai cấp thống
trị và nếu nó thực sự thống trị, thì nó phải tỏ rõ điều đó bằng tổ chức quân sự
của mình. Không có một quân đội trung lập, quân đội đứng ngoài chính trị, chỉ
có nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, dù cho quân đội đó là của giai cấp nào, phục vụ cho
thể chế chính trị nào, ở những thời điểm lịch sử nào. Quân đội bao giờ cũng là
của một giai cấp, một nhà nước nhất định, nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của
giai cấp, nhà nước đó.