Dịch Covid-19 đang gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội, tác động
lớn đến tâm lý con người. Thứ dịch bệnh này khởi nguồn từ Trung Quốc và đang
dần lây lan ra khắp thế giới, thậm chí ngay cả những quốc gia có nền y học được
cho là tiên tiến như các nước trong nhóm G7, cũng đã có nhiều người thiệt mạng.
Không chỉ tác động đến những vấn đề xã hội, ảnh hưởng đến sinh
mệnh và sức khỏe con người, Covid-19 đã phủ một màu u ám lên kinh tế toàn cầu.
Các sàn chứng khoán trên thế giới tràn ngập sắc đỏ-chỉ dấu của sự giảm giá, bán
tháo. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế
toàn cầu chỉ đạt 2,4% trong năm 2020, giảm so với mức đã rất thấp là 2,9% trong
tháng 11-2019. Tuy nhiên, nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và kéo dài thì
tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay có thể chỉ đạt 1,5%. Kinh tế toàn cầu suy
giảm sẽ gây ảnh hưởng xấu tới kinh tế Việt Nam, nhiều doanh nghiệp khó khăn,
nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm.
Việt Nam ta cho tới lúc này chưa có ai thiệt mạng vì Covid-19.
Chỉ cách đây khoảng 5 ngày, chúng ta đã vui mừng tưởng rằng với những nỗ lực
quên mình của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đất nước ta sắp sạch bệnh
Covid-19, khi 16/16 bệnh nhân đều được chữa khỏi, ra viện, và 22 ngày không có
ai nhiễm mới. Nhưng đúng như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc
gia phòng, chống dịch Covid-19 đã nhận định: “Chúng ta đã thắng trận mở màn, nhưng
còn cả một cuộc chiến, vì tình hình dịch rất phức tạp”, dịch bệnh đã quay trở
lại bằng con đường đã được dự báo, nhưng rất khó kiểm soát.
Dịch Covid-19 dường như đang bao vây chúng ta. Từ chỗ ở một nơi
nào đó xa vời, nhiều người nghĩ rằng chỉ cần đóng cửa với nơi đó là xong, ta an
toàn. Nay dịch đã lan dần ra khắp toàn cầu, một số địa phương và ngay cả Thủ đô
Hà Nội cũng đã có dịch Covid-19. Vậy ta phải làm gì? Phải đóng cửa, phải bế
quan tỏa cảng với thế giới chăng? Hay là ta chỉ ở trong nhà, sử dụng mỳ ăn
liền, uống nước lọc để chờ dịch bệnh qua đi?
Không thể như thế! Chúng ta vừa cần bảo đảm sức khỏe, nhưng cũng
cần phải duy trì làm việc, lao động sản xuất, sinh hoạt thì mới phát triển được
kinh tế, mới lo được cho cuộc sống của chính bản thân mình. Thời đất nước có
chiến tranh, kẻ thù liên tục trút mưa bom bão đạn hòng hủy diệt ta, nhưng cả
dân tộc không ngồi một chỗ để chờ chết. Khói bom còn chưa tan nhưng trên các
cánh đồng đã lại rộn ràng cày cấy, trên công trường đã lại rộn vang tiếng
máy... Cả dân tộc ta vẫn lạc quan, vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất,
"tiếng hát át tiếng bom”.
Nếu chúng ta được chọn thì dứt khoát chúng ta không chọn cuộc
sống khó khăn, dịch bệnh rình rập như hiện nay. Nhưng không thể khác được! Mỗi
người chúng ta phải dũng cảm đối mặt với dịch bệnh Covid-19, để duy trì cuộc
sống, hiển nhiên là theo những phương thức phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh
hiện nay. Chúng ta vẫn duy trì nhịp sống, cùng với việc thực hiện nghiêm các
quy định phòng, chống dịch như: Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng nước
sát khuẩn, nâng cao sức đề kháng cho tất cả mọi người, hạn chế tối đa việc tụ
tập nhậu nhẹt linh đình... Về phát triển kinh tế, ví như ngành du lịch gặp khó
khăn, chưa thể duy trì nhịp độ thường ngày thì chúng ta lại phải tìm cơ hội từ
những ngành, những lĩnh vực khác để tạo ra việc làm, tạo ra thu nhập.
Thời thế tạo anh hùng! Phẩm chất anh hùng không phải đâu xa,
không phải cái gì quá cao siêu mà chính là bản lĩnh dám đối mặt với khó khăn,
biết cách vượt qua khó khăn để tồn tại, vươn lên. Trong mỗi chúng ta đều mang
phẩm chất quý giá của một dân tộc anh hùng. Vì thế, hãy bình tĩnh và dũng cảm
đối mặt với khó khăn từ dịch bệnh Covid-19.
Chúng ta phải dũng cảm đối mặt với những khó khăn trong mùa dịch bệnh để vượt qua và vươn lên
Trả lờiXóaDịch bệnh này rất nguy hiểm, nên chúng ta không được phép chủ quan, coi nhẹ
Trả lờiXóa