Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

MỐI QUAN HỆ GIỮA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VỚI XÂY DỰNG CƠ SỞ XÃ HỘI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Kinh tế thị trường là mô hình kinh tế mà trong đó thị trường giữ vai trò quyết định trong việc huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển. Ưu điểm của kinh tế thị trường là làm cho việc phân bổ các nguồn lực phát triển trở nên hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bất cứ nền kinh tế thị trường nào cũng có “sự thất bại của nó”. Mô hình kinh tế của chúng ta là mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó các quy luật của kinh tế thị trường cũng được phát huy đầy đủ. Cục diện mà kinh tế thị trường đem lại và tạo ra không chỉ thể hiện ở cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu sở hữu mà còn kéo theo sự thay đổi to lớn và sâu sắc về cơ cấu xã hội, địa vị kinh tế - xã hội của từng giai tầng, cơ cấu lợi ích xã hội, định hướng giá trị, đạo đức và lối sống.
Trong di sản lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin những vấn đề về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản trong điều kiện xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường chưa được luận giải đầy đủ và sâu sắc. Trong bối cảnh này, những vấn đề đặt ra đối với Đảng và xây dựng Đảng là: (i) làm thế nào để đảm bảo tốt quyền lực và lợi ích kinh tế của nhân dân lao động trong nền kinh tế thị trường; (ii) làm thế nào để hạn chế tối đa quan hệ “giá trị- tiền tệ” len lỏi, thâm nhập vào tổ chức Đảng và khu vực công, cũng như hạn chế tính thực dụng, vị kỷ và lối hành xử “tiền trao cháo múc” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; (iii) làm thế nào để đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng thật sự “toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”; (iv) làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, tình trạng “lợi ích nhóm” trong lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và hoạt động của Nhà nước; (v) kinh tế thị trường tất yếu dẫn đến sự phân hóa về mức sống, địa vị kinh tế - xã hội của các tầng lớp nhân dân, tất yếu dẫn đến sự đa dạng hóa về nhu cầu, lợi ích và định hướng giá trị của xã hội, cũng như kéo theo sự ra đời và phát triển của các tổ chức xã hội, hiệp hội ngành nghề. Vậy làm thế nào để tăng cường tính đại diện của Đảng cũng như củng cố và mở rộng cơ sở xã hội của Đảng? Làm thế nào để Đảng có thể tương tác hiệu quả với các tổ chức xã hội, qua đó mở rộng ảnh hưởng của Đảng, cũng như củng cố địa vị cầm quyền của Đảng. Đó là những vấn đề lý luận đang được chú ý trong quá trình bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về Đảng và xây dựng Đảng.

2 nhận xét:

  1. Đảng CSVN đã lãnh đạo đất nước phát triển như ngày hôm nay là nhờ có đường lối đúng đắn, chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối vào Đảng ta

    Trả lờiXóa
  2. Nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

    Trả lờiXóa