Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

THẤY GÌ TỪ VIỆC CHÍNH PHỦ VIỆT NAM ĐẠT TÍN NHIỆM CAO NHẤT THẾ GIỚI TRONG ỨNG PHÓ COVID-19?

Mới đây, tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin (CHLB Đức) vừa tiến hành một cuộc khảo sát tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp châu lục về mức độ tín nhiệm của người dân với Chính phủ trong ứng phó với Covid-19. Các quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, bao gồm Algeria, Argentina, Australia, Áo, Bỉ, Brazil, Canada, Chile, Trung Quốc, Colombia, Ai Cập, Pháp, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Hungary, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Italy, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Maroc, Hà Lan, Nigeria, Pakistan, Peru, Philippines, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Nga, Saudi Arabia, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Ukraine, Mỹ, Venezuela và Việt Nam. Đây là cuộc khảo sát có quy mô lớn nhất toàn cầu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Kết quả của cuộc khảo sát đã được tổ chức này công bố ngày 30/3. Theo đó, Chính phủ Việt Nam có tỉ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của chính phủ cao nhất thế giới.
Cụ thể, khảo sát đề nghị người dân các nước đánh giá về cách phản ứng của chính phủ với dịch Covid-19. Có khoảng 70% số ý kiến đại diện cho 40% dân số toàn cầu tin rằng nhà nước đã có những phản ứng “đúng mức” để chống đại dịch. Trong đó, người dân Việt Nam dành mức tin tưởng cao nhất (62%) cho những biện pháp ứng phó dịch của chính phủ, xếp trên Argentina (61%), Áo (58%), Singapore (57%), Trung Quốc (56%)...
Vậy, một câu hỏi đặt ra là tại sao Chính phủ Việt Nam đạt tín nhiệm cao nhất thế giới?
Một điều dễ dàng có thể nhận thấy đó là sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, chủ động phòng, chống dịch ngay từ đầu của Chính phủ Việt Nam. Ngay từ khi dịch mới xuất hiện ở Trung Quốc, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới chưa có động thái và phản ứng gì thì Chính phủ Việt Nam đã chủ động, tích cực phòng, chống dịch. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch, giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Không những vậy, Việt Nam đã ngay lập tức áp dụng các biện pháp cần thiết trong phòng, chống dịch, như hạn chế việc xuất nhập cảnh, hạn chế việc giao thương hàng hoá qua các cửa khẩu với Trung Quốc; cho học sinh các cấp học, sinh viên các trường đại học, cao đẳng nghỉ học; đưa ra những khuyến cáo y tế cần thiết, hướng dẫn người dân về cách phòng, chống dịch…
Bởi vậy, từ một quốc gia có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nhất vì có đường biên giới trên bộ dài với Trung Quốc, có nhiều hoạt động giao thương, qua lại với Trung Quốc, Việt Nam chỉ ghi nhận 16 ca nhiễm Covid-19. Trong đó, có 2 người Trung Quốc và một số người nước ngoài khác, cùng với một số người Việt Nam có lịch sử trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc. Sau đó, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự huy động các y bác sĩ đầu ngành, Việt Nam đã lần lượt chữa khỏi cả 16 ca bệnh nhiễm Covid-19, tạo niềm tin rất lớn cho nhân dân đối với Chính phủ và hệ thống y tế của nước nhà.
Hơn 20 ngày sau đó, với sự vào cuộc quyết liệt, cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của người dân cả nước thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ và khuyến cáo của ngành y tế, Việt Nam không ghi nhận thêm một ca nhiễm Covid-19 nào. Chỉ đến khi, Chính phủ Việt Nam chủ trương để công dân ở nước ngoài nhập cảnh về nước tránh dịch bùng phát ở các quốc gia, Việt Nam mới bắt đầu ghi nhận những ca nhiễm tiếp theo.
Lúc này, công tác chống dịch của Việt Nam bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới, cấp bách và quyết liệt hơn. Chỉ trong vòng ít ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng chục Chỉ thị chỉ đạo quyết liệt công tác chống dịch. Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên chủ trì các cuộc họp Chính phủ, thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch. Những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay lập tức được quán triệt thực hiện nghiêm túc đến các địa phương trong cả nước.
Cùng với những chỉ đạo quyết liệt, Chính phủ Việt Nam cũng chủ trương đưa đón miễn phí công dân Việt Nam từ các vùng dịch trở về nước, miễn phí ăn, ở, sinh hoạt cho công dân Việt Nam trong các khu cách ly tập trung; tổ chức lực lượng y tế, quân đội, công an giám sát, theo dõi các khu vực bị phong toả vì dịch bệnh; xét nghiệm, chữa trị miễn phí cho những người nhiễm Covid-19… Đây là những điều mà không phải Chính phủ nào cũng có thể làm được, thậm chí cả những nước phát triển, giàu có, nhất là trong bối cảnh Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, là một nước đang phát triển.
Để thấy được tại sao người dân Việt Nam lại tin tưởng tuyệt đối vào Chính phủ, Chính phủ Việt Nam lại nhận được tín nhiệm cao nhất từ người dân, chúng ta hãy nhìn sang các quốc gia khác, nhất là các quốc gia châu Âu, Mỹ. Từ những nước có rất ít nguy cơ bị đe doạ bởi dịch Covid-19, đến bây giờ châu Âu là ổ dịch lớn nhất thế giới, trong khi đó Mỹ là quốc gia có số lượng người nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới. Ý, Tây Ban Nha là những quốc gia có số người chết vì Covid-19 cao nhất thế giới. Tại sao Mỹ và châu Âu, những quốc gia rất phát triển lại phải đối mặt tình trạng thảm hoạ về y tế như hiện tại? Chẳng phải Chính phủ họ đã quá chủ quan, đã không nhận định đúng về dịch bệnh, không có được sự chuẩn bị và sự vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu đó sao? Điều này đã được chính Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh, Ý, Tây Ban Nha thừa nhận trước truyền thông.
Trong khi Việt Nam chúng ta vẫn đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh, số lượng ca nhiễm có thể trên dưới 10 người một ngày và đặc biệt vẫn không có ai tử vong vì Covid-19 thì các nước châu Âu, Mỹ số lượng người bệnh bị nhiễm một ngày là bao nhiêu, bao nhiêu người tử vong một ngày có thể chúng ta cũng không cần phải nói ở đây vì truyền thông đã nói quá nhiều. Thế mới thấy, sự vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu của Chính phủ Việt Nam có ý nghĩa quan trọng thế nào. Những nước phát triển với nền kinh tế hàng đầu thế giới mà giờ phải lao đao thế nào để ứng phó với dịch bệnh, thì một nước nghèo như chúng ta nếu để dịch bệnh bùng phát thì nguy hiểm đến như thế nào? Càng nói những điều này chúng ta lại càng thấy Chính phủ của chúng ta đã hành động đúng đắn và quyết liệt như thế nào.
Kết bài viết, tôi xin được trích dẫn lời của Tiên Nguyễn - một bệnh nhân Covid-19 từ nước ngoài về nước nói những lời từ đáy lòng mình khi được điều trị khỏi bệnh: "Hôm nay Tiên đã hết bệnh và được xuất viện! Sinh con ra, lo lắng và hi sinh cho con lúc bình yên cũng như sóng gió là cha mẹ. Mở rộng vòng tay đón con trở về trong lúc hoạn nạn là quê hương, là Tổ quốc Việt Nam. Cứu con, chữa trị và chăm sóc con qua cơn bạo bệnh là các y bác sĩ và điều dưỡng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Con xin tri ân và trân trọng cám ơn".
Còn đây là tâm sự và lời cảm ơn của một bệnh nhân người Pháp sau khi được các y bác sĩ ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chữa khỏi bệnh Covid-19: “Sau khi bắt đầu đến Việt Nam ngày 10/3 và biết mình bị nhiễm Covid-19, tôi thực sự lo lắng nhưng may mắn khi tôi có được sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Pháp cùng các y bác sĩ Việt Nam nên công tác chữa trị trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Tôi muốn nói cảm ơn tới đội ngũ y bác sỹ, những người đã chữa trị và chăm sóc tôi thời gian vừa qua. Bây giờ sức khoẻ tôi rất tốt, tôi muốn quay trở về với gia đình ở Pháp".

2 nhận xét:

  1. Từ kết quả khảo sát trên cho thấy người dân rất tin tưởng vào Chính phủ; điều đó đã bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các nhà dân chủ cuội và các thế lực thù địch

    Trả lờiXóa
  2. Luận điệu xuyên tạc của bọn phản động hết sức trơ trẽn, vô lý và ấu trĩ; người dân không nên tin bọn chúng

    Trả lờiXóa