Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

PHƯƠNG THUỐC CHỮA BỆNH “PHAI ĐOÀN” Ở MỘT BỘ PHẬN THANH NIÊN HIỆN NAY

Phòng ngừa những biểu hiện của bệnh “phai Đoàn” ở một bộ phận thanh niên chẳng những là vấn đề cấp bách trước mắt mà còn là vấn đề chiến lược lâu dài. Theo đó, những vấn đề căn cốt mà các tổ chức, đoàn thể, nhất là tổ chức Đoàn đã, đang và sẽ phải kiên trì, kiên quyết thực hiện là:
Nhận thức, đánh giá đúng biểu hiện và tính nguy hại của bệnh “phai Đoàn” ở một bộ phận thanh niên hiện nay. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong tổng thể hệ thống giải pháp phòng ngừa biểu hiện “phai Đoàn”; là yêu cầu bắt buộc đối với các cấp ủy, chi bộ, đảng bộ cũng như các cấp bộ Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, tổ chức giáo dục và quản lý thanh niên phải tiến hành. Trước hết, cần tiếp tục đổi mới cách nhận diện những biểu hiện mới và tính nguy hại của bệnh “phai Đoàn” ở một bộ phận thanh niên hiện nay theo quan điểm lịch sử - cụ thể. Thứ hai, thực hiện có chất lương, hiệu quả công tác định hướng, hướng dẫn nhận thức, hướng dẫn đấu tranh, phản bác, phê phán các biểu hiện “phai Đoàn” ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Phải xác định “phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh”. Thực tiễn cho thấy, khi nào chủ thể tự nhận thức được tính chất nguy hiểm của bệnh, giác ngộ được trách nhiệm của bản thân, tự giác phòng bệnh và tự giác đấu tranh thì hoạt động phòng ngừa và khắc phục biểu hiện của bệnh “phai Đoàn” phát huy hiệu quả thiết thực và bền vững.
Phòng ngừa biểu hiện bệnh “phai Đoàn” phải đi liền với việc thường xuyên quán triệt, vận dụng sáng tạo, đầy đủ, toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh về sự cần thiết, mục tiêu, nội dung, phương thức giáo dục thanh niên theo tinh thần Chỉ thị số 42- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”. Trong đó, cần nhận thức đúng, đầy đủ tính cấp thiết và tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ, từ đó xác định trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội đối với công tác này.
Phát huy vai trò, sức mạnh và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức, các lực lượng của hệ thống chính trị trong phòng, chống bệnh “phai Đoàn” ở một bộ phận thanh niên hiện nay; nhất là sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên.
Tiếp tục phát huy các thiết chế giáo dục của Đoàn trong phòng, chống bệnh “phai Đoàn”. Cần tập trung xây dựng, mở rộng mạng lưới các trung tâm hoạt động thanh niên, nhà văn hóa thiếu nhi... trên cơ sở nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và kinh phí xã hội hóa. Tăng cường định hướng giáo dục giá trị văn hóa thông qua các loại hình văn hóa, văn học nghệ thuật; thông qua việc hưởng thụ tham gia bảo tồn và phát triển các lễ hội văn hóa; tổ chức các điểm văn hóa thanh niên theo cụm dân cư; tổ chức các hội thi, hoạt động văn hóa dân gian; tổ chức các cuộc vận động sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật dành cho thanh niên.
Làm tốt công tác truyền thông của Đoàn. Trong đó, tận dụng ưu thế tích cực của các mạng xã hội trong việc tiếp cận và truyền đạt nội dung tuyên truyền, định hướng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho đoàn viên, thanh niên. Trong công tác giáo dục, cần chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt. Đồng thời nâng cao khả năng phối hợp, lồng ghép các hoạt động của Đoàn, Hội, Đội với các đoàn thể quần chúng nhân dân và các chủ thể xã hội khác nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên.
Phát huy vai trò “tự phát hiện và tự chữa bệnh” của mỗi thanh niên. Đây là một trong những giải pháp quyết định tính hiệu quả trong “khắc phục và chữa trị” bệnh “phai Đoàn” ở một bộ phận thanh niên hiện nay. Bởi suy đến cùng, mọi phương thức tác động của các chủ thể “chữa bệnh” chỉ có hiệu quả khi và chỉ khi “người bệnh” chủ động tiếp nhận, biến quá trình “điều trị” thành quá trình “tự điều trị”. Theo đó, cần khuyến khích và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thanh niên nâng cao năng lực tự nhận thức và chỉ ra những biểu hiện “lâm sàng” đối với bạn bè, đồng chí, đồng đội; đồng thời, cần có cơ chế để khuyến khích thanh niên tích cực, chủ động phòng ngừa “bệnh” ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh với tinh thần xung kích của tuổi trẻ.
Phòng ngừa bệnh “phai Đoàn” - một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” như đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn, không chỉ là lương tâm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là các cấp bộ Đoàn, Hội, mà còn là sứ mệnh của mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên Việt Nam hiện nay. Chỉ có như vậy thì thanh niên mới thực sự là rường cột của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

2 nhận xét:

  1. Phải có sự quan tâm và đầu tư đúng mức thì mới phát huy được tính xung kích của Đoàn viên, thanh niên

    Trả lờiXóa