Lý luận chính trị là hệ thống tri thức về lĩnh vực
chính trị, là một bộ phận quan trọng về lý luận trong lĩnh vực chính trị; mang
tính Đảng, tính giai cấp; đồng thời, có tính khái quát hóa, trừu tượng hóa và
tính dự báo khoa học cao. Vì vậy, giáo dục lý luận chính trị, bao gồm nghiên cứu,
học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện, chỉ thị, nghị
quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… là yêu cầu thường xuyên, hằng
ngày, bức thiết đối với mỗi bộ, đảng viên.
“Lý luận sở dĩ quan trọng như vậy là vì nó dạy ta hành
động” và lý luận chính trị giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư duy khoa học,
có phương pháp làm việc biện chứng; có phương thức lãnh đạo và tổ chức quần
chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... phù hợp với quy luật khách quan. Với ý nghĩa đó, việc học tập lý luận chính trị
không chỉ góp phần để cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm bắt chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận dụng có hiệu
quả những tri thức lý luận vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra mà
còn là cẩm nang để giúp mỗi người thâm nhập, đi sâu vào quần chúng, gần dân, hiểu
dân và trọng dân, trở thành người lãnh đạo gương mẫu, người đồng hành tin cậy,
người công bộc tận tụy của nhân dân; đồng thời, kiểm nghiệm tri thức, tư tưởng,
hành vi qua thực tiễn khách quan và cập nhật, nắm bắt tình hình để chủ động, kịp
thời hành động đúng đắn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
Với những người lười học lý luận và lý luận chính trị,
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đó là những người “chỉ bo bo giữ lấy kinh nghiệm lẻ
tẻ. Họ không hiểu rằng lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng”,
trong khi đó thì “có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng một
mắt mờ”. Đó cũng chính là những người không hiểu, thậm chí cố tình không hiểu
vai trò của lý luận chính trị đối với thực tiễn và mối quan hệ chặt chẽ giữa lý
luận chính trị và thực tiễn, nên trong công tác, họ không có lý luận dẫn
đường. Lối làm việc theo lối kinh nghiệm, đầy cảm tính mà nguyên nhân là do
“kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông” đã khiến họ gặp
phải không ít khó khăn và lúng túng khi xử lý công việc, dẫn đến phạm không ít
sai lầm, khuyết điểm. Vì thế, Người nhấn mạnh: “Đảng cần phải giáo dục và
yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận... Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học
tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy
rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm
chí hủ hóa, xa rời cách mạng”; đồng thời, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải
thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ lý luận; thấu triệt nguyên tắc gắn lý
luận với thực tiễn mà còn phải chống giáo điều cũng như bệnh lười học, ngại
học, hình thức trong học tập lý luận chính trị và vận dụng tri trức lý luận vào
thực tiễn.
Luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm, luôn gắn liền
lý luận với thực tiễn, trong suốt cuộc đời mình, Người không ngừng học hỏi, làm
giàu tri thức, vượt lên lối tư duy kinh nghiệm, cảm tính để đến với lý luận
khoa học Mác - Lênin; gắn lý luận với thực tiễn cách mạng và xuất phát từ thực
tiễn để đề ra quyết sách và lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ của
cách mạng. Sự gắn bó giữa lý luận với thực tiễn là đặc điểm nổi bật trong phong
cách tư duy Hồ Chí Minh, thể hiện rõ trong tư tưởng, từng quyết sách và chỉ đạo
thực tiễn của Người.
Lý luận chính trị là kim chỉ nam cho mọi hành động; do đó cần tăng cường học tập để nâng cao nhận thức, giác ngộ chính trị
Trả lờiXóaBạn nói rất đúng
Xóa